Vị thủ tướng khiến EU gặp khó trong lệnh cấm vận dầu Nga

Châu Âu cố gắng giải quyết nỗi lo của Hungary khi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, nhưng các cuộc đàm phán với Thủ tướng Viktor Orban vẫn rơi vào bế tắc.

Tại chính trường châu Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang trở thành rào cản cuối cùng đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga - nỗ lực lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì “chiến dịch quân sự" ở Ukraine.

Trong khi đó, ở quê nhà, công ty năng lượng lớn nhất Hungary đang âm thầm đẩy nhanh nỗ lực nhập khẩu dầu từ các quốc gia khác. Tập đoàn MOL cho biết trong vòng hai năm tới, nhà máy lọc dầu Duna lớn nhất đất nước có thể được vận hành, chạy hoàn toàn bằng nguồn dầu thay thế, không đến từ Nga.

Wall Street Journal cho hay ông Orban đang trở thành một “câu đố dai dẳng” đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Các quan chức EU không chắc liệu ông có nói quá khi tuyên bố đe dọa phủ quyết lệnh cấm vận hay không.

Trước đó, Thủ tướng Orban từng cho biết lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga "tương đương với một quả bom nguyên tử ném xuống nền kinh tế Hungary".

Tuy nhiên, các động thái của tập đoàn MOL nhằm đẩy nhanh việc đa dạng hóa nguồn cung dầu thô cho đất nước, thay thế nguồn cung từ Nga, cho thấy ông Orban đang để ngỏ các lựa chọn của mình.

 Nhà máy lọc dầu Duna có thể được thành lập để chạy hoàn toàn bằng dầu không phải của Nga. Ảnh: AFP.

Nhà máy lọc dầu Duna có thể được thành lập để chạy hoàn toàn bằng dầu không phải của Nga. Ảnh: AFP.

Các nước khác thất vọng

Các quan chức EU từng cho hay có thể không có giải pháp nào cho sự bế tắc trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào cuối tháng 5. Nếu lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trên toàn EU không được thông qua, các quốc gia riêng lẻ có thể hành động theo cách riêng của họ, mặc dù họ rất miễn cưỡng từ bỏ mặt trận thống nhất trong cuộc đối đầu với Nga.

Ông Orban, thủ tướng tại vị lâu nhất trong khối EU, đã phàn nàn về các lệnh trừng phạt đối với Nga trong nhiều năm, nói rằng chúng làm tổn thương đất nước của ông nhiều như Moscow. Nhưng ông cũng nhiều lần đồng ý với các biện pháp đó, một khi chúng được sự ủng hộ của Đức - đối tác kinh tế chính của Hungary.

Thế nhưng, lần này, thoát khỏi khuôn mẫu đó, các quan chức châu Âu ngày càng lo ngại rằng ông Orban dường như sẵn sàng không chỉ phản đối mà còn phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, dự kiến được thực hiện theo từng giai đoạn trong 6 tháng tới.

Quyền phủ quyết của ông sẽ không chỉ giảm bớt sức ép lên Nga mà còn làm lộ ra giới hạn chiến lược của EU - khi các lệnh trừng phạt cần tất cả 27 chính phủ của EU nhất trí và thông qua.

Những điều đó là nguồn gốc gây thất vọng sâu sắc đối với các chính phủ khác - đặc biệt là những người theo chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan cùng Cộng hòa Czech.

“Thực sự là khá khó khăn đối với một số nước Trung Âu, bao gồm cả Cộng hòa Czech để từ bỏ việc nhập khẩu dầu của Nga”, Markéta Pekarová Adamová, Chủ tịch Hạ viện Czech, nói. “Nhưng trong khi Czech và Slovakia tập trung vào việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, để không ảnh hưởng đến lệnh trừng phạt, chúng tôi không thấy cách tiếp cận tương tự từ phía Hungary”.

 Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết việc thay thế nguồn dầu từ Nga sẽ mất tới 5 năm và đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Ảnh: Hội đồng Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết việc thay thế nguồn dầu từ Nga sẽ mất tới 5 năm và đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Ảnh: Hội đồng Liên minh châu Âu.

Trong nhiều tuần, các quan chức hàng đầu của châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã gọi điện và bay đến Budapest, nói chuyện với ông Orban nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng sau lời đe dọa phủ quyết của ông.

Vào đầu tháng 5, các quan chức Pháp và EU cho biết họ mong đợi một thỏa thuận sẽ đạt được với Hungary trong vòng vài ngày tới.

Tuy nhiên, hơn một tuần sau, lời đe dọa phủ quyết đề xuất của ông Orban vẫn còn. Chính phủ của ông nói rằng việc từ bỏ năng lượng của Nga sẽ đòi hỏi phải trang bị lại toàn bộ hệ thống năng lượng của Hungary - các đường ống dẫn và nhà máy lọc dầu - với chi phí khoảng 18 tỷ USD.

Để xoa dịu những lo ngại đó, EU đã đề xuất một chương trình trị giá 2 tỷ euro, tương đương 2,1 tỷ USD, để giúp đưa dầu từ các nguồn thay thế đến Hungary, cũng như Slovakia và Cộng hòa Czech - những nước khai thác dầu thô từ cùng một đường ống.

Nhưng ông Orban vẫn chưa đáp lại lời đề nghị này. Đầu tuần này, ông đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5, sau khi vận động tranh cử với cam kết tiếp tục đảm bảo các hộ gia đình và nhà máy của Hungary có thể sử dụng năng lượng giá rẻ từ Nga.

Ngày càng nhiều chỉ trích

Hôm 19/5, phát biểu trong một phiên họp bất thường của Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ của Mỹ, thủ tướng Hungary kêu gọi mỗi quốc gia đặt lợi ích của mình lên trên hết.

“Câu trả lời của chúng tôi là một phản đề đơn giản và rõ ràng đối với thái độ của những người cấp tiến: Hungary trước tiên!”, ông nói, không đề cập đến đề xuất cấm nhập dầu mỏ.

“Chúng tôi lên án người tấn công, chúng tôi giúp đỡ người bị tấn công, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi không được bảo vệ bởi Ukraine, mà bởi NATO, và chúng tôi muốn hòa bình”, ông cho biết.

 Thủ tướng Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Ông Orban có ít đồng minh ở Brussels. Bà Angela Merkel - người ủng hộ ông Orban và có ảnh hưởng đối với ông khi bà còn là thủ tướng - không còn là nhà lãnh đạo của nước Đức.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thúc đẩy châu Âu đa dạng hóa năng lượng từ Nga, đã tán thành việc ông Orban tái đắc cử, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden có mối quan hệ khá lạnh nhạt với thủ tướng Hungary.

Các nước láng giềng của Hungary - đặc biệt là Ba Lan - từng bảo vệ ông Orban khỏi những lời chỉ trích trong quá khứ trước EU.

Nhưng kể từ lúc Nga phát động “chiến dịch quân sự" vào Ukraine, thái độ này đã thay đổi khi ông Orban không cho vũ khí viện trợ quá cảnh tới Ukraine.

Ông Orban “bị cô lập và ngày càng bị chỉ trích công khai nhiều hơn”, Peter Kreko, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu có trụ sở tại Budapest, cho biết.

"Điều duy nhất còn lại đối với ông ấy là quyền phủ quyết và khao khát cản trở vì đó ngày càng gia tăng", ông Kreko nói.

Đáp lại những lời chỉ trích, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó tuyên bố: “Không phải người Hungary đã gây ra cuộc chiến này. Vì vậy, không ai có thể mong đợi người dân Hungary phải trả giá cho cuộc chiến này”.

Minh An

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-thu-tuong-khien-eu-gap-kho-trong-lenh-cam-van-dau-nga-post1319373.html