Vị trạng nguyên nào xuất thân con nhà quét rác?

Vượt lên hoàn cảnh, người này trở thành học trò xuất sắc của thầy giáo Chu Văn An, sau thi cử đỗ đạt, góp ích cho đời.

Người được nhắc đến chính là Lê Quát (1319-1386), tự Bá Quát, hiệu Phong Mai, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo sách Tấm gương hiếu học xưa và nay, gia đình Lê Quát vốn nghèo khổ, không ruộng nương, trâu bò. Hai mẹ con phải làm nghề quét rác ở chợ kiếm sống qua ngày. Nghề quét rác vốn bị xem là hạ đẳng, vì thế mẹ con Lê Quát thường bị khinh khi và chịu không ít tủi hờn.

Tuy gia cảnh bần hàn, người mẹ vẫn quyết tâm cho con ăn học. Lê Quát học rất giỏi, đọc gì thuộc đấy. Cảm phục đức ham học của cậu bé, bà con hàng xóm cũng sẵn lòng giúp hai mẹ con.

Vốn thông minh, chẳng bao lâu Lê Quát học hết chữ của thầy đồ trong làng. Thầy khuyên cậu bé nên đến làng khác có nhiều thầy giỏi để học. Ông liên rời xa người mẹ hiền để đi tầm sư học đạo.

Một lần Lê Quát khát nước vào một nhà để xin nước uống. Không ngờ đó là ngôi nhà của vị quan đã về hưu. Nghe cậu bé xin nước nói mình là học trò, vị quan liền hỏi về kinh sử, Lê Quát đều trả lời trôi chảy. Nhận thấy cậu học trò rất thông minh, ắt có tương lai, vị quan quyết định chu cấp tiền bạc để cậu học thành tài.

Dần dần nhận thấy Lê Quát không chỉ sáng dạ mà còn hiền lành, thật thà, chất phác, vị quan quyết định gả con gái cho, mặc cho thiên hạ xì xào: “Ông quan thông gia với kẻ quét chợ”.

Lê Quát - ông trạng nước Việt xuất thân con nhà quét rác. (Ảnh minh họa)

Lê Quát - ông trạng nước Việt xuất thân con nhà quét rác. (Ảnh minh họa)

Ít lâu sau, Lê Quát được gửi lên kinh đô Thăng Long theo học thầy Chu Văn An (nhà giáo số một lúc bấy giờ). Đó là bước ngoặt để ông trở thành nhân tài của đất nước.

Dưới thời vua Trần Minh Tông, ông thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), ra làm quan, thăng dần tới chức Thượng thư Hữu bật nhập nội hành khiển (quan đứng thứ hai trong triều).

Theo sách Việt Nam - các nhân vật lịch sử, nhờ làm việc giỏi, nhanh nhẹn, lại thanh liêm, ông và bạn đồng môn Phạm Sư Mạnh trở thành danh sĩ nổi tiếng thời Trần. Nhân dân vẫn thường gọi ông là Trạng Quét để khen ngợi ý chí học hành hiếm có của cậu bé nghèo quét rác ngày nào.

Lê Quát là người cương trực, thẳng thắn, không ưa nịnh. Ngoài công việc triều chính, ông thích giao du với những bậc hiền nhân đương thời. Đáng tiếc giai đoạn ông làm quan, triều đình nhà Trần đã bước vào thời kỳ suy yếu. Hoàng đế khi ấy là Trần Dụ Tông chỉ lo ăn chơi, vận nước đi xuống.

Lê Quát đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm đổi mới thể chế, phê phán những tiêu cực úc bấy giờ (dung nạp kẻ ăn chơi, trốn tránh công việc xã hội…). Tuy nhiên những ý kiến đó không được vua tiếp thu, thậm chí bản thân ông còn bị trách mắng.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng: “Bấy giờ, nho thần Lê Quát cũng muốn làm sáng dạ cho thánh hiền, gạt bỏ dị đoan nhưng rốt cục vẫn không thực hiện được”.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-trang-nguyen-nao-xuat-than-con-nha-quet-rac-ar920594.html