Vị trí đăng tải 3 công khai nên đồng nhất để thuận lợi trong đối sánh
Báo cáo 3 công khai đăng trong 5 năm sẽ giúp xã hội đối sánh, giám sát có hệ thống, vì theo dõi được hoạt động của trường trong một quá trình.
Mang lại nhiều thuận lợi cho người học và đối tác
Dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có những điểm mới về thời gian công khai các hoạt động của cơ sở trong báo cáo 3 công khai so với Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, dự thảo Thông tư mới quy định, thời gian công khai các hoạt động trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai và thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày thay vì chỉ yêu cầu thời gian thực hiện niêm yết như Thông tư 36.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, nhà trường vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ niêm yết báo cáo 3 công khai trên website từ năm học 2016-2017 cho đến nay.
Theo đó, thầy Ngọc Anh phân tích: “Việc đề xuất các trường đăng báo cáo 3 công khai tối thiểu trong 5 năm sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả người học và các đối tượng liên quan. Việc công bố báo cáo 3 công khai trong thời gian 5 năm là bao trùm thời gian của một khóa học đại học, chính vì vậy, sinh viên đang theo học có thể theo dõi và quan sát được những cam kết của nhà trường với khóa sinh viên đó”.
Bên cạnh đó, việc công khai và niêm yết báo cáo 3 công khai cũng góp phần giúp công tác tuyển sinh của nhà trường thuận lợi hơn. Thực hiện báo cáo 3 công khai trong nhiều năm học có thể giúp phụ huynh và học sinh quan tâm đến hoạt động của trường dễ dàng đối sánh thông tin qua các năm học; từ đó tạo được sự tin tưởng cho phụ huynh và học sinh.
“Thí sinh và phụ huynh luôn tìm hiểu kỹ về các nhà trường trước khi đưa ra quyết định lựa chọn nguyện vọng. Theo khảo sát, phụ huynh và thí sinh quan tâm nhiều đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và môi trường học tập, rèn luyện của cơ sở giáo dục. Hiện nay, xu hướng chọn trường theo “độ hào nhoáng” đã bớt dần, phụ huynh và thí sinh thực tế hơn và lựa chọn những trường có đầu ra tốt. Bởi vậy, niêm yết 3 công khai trên website của nhà trường đã giúp cho phụ huynh tiện theo dõi và so sánh khi lựa chọn” - thầy Ngọc Anh cho biết thêm.
Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, đề xuất các cơ sở giáo dục đăng báo cáo 3 công khai tối thiểu 5 năm còn giúp xã hội trong việc đối sánh, giám sát một cách có hệ thống vì có thể theo dõi được hoạt động của nhà trường trong một quá trình.
Cũng theo vị này, hiện nay, dữ liệu nói chung và dữ liệu 3 công khai nói riêng của Trường Đại học Mở Hà Nội đều được thực hiện trên hệ thống công nghệ hiện đại. Do vậy, trường vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp và đăng tải báo cáo 3 công khai theo đúng quy định mà chưa gặp phải khó khăn lớn nào.
Bên những chia sẻ trên, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh cũng đề cập, hiện nay, tùy theo kết cấu của website, mỗi cơ sở giáo dục lại bố trí đăng tải báo cáo 3 công khai ở một vị trí khác nhau, dẫn đến việc tìm kiếm thông tin để đối sánh chưa thực sự thuận lợi. Vì thế, thầy Anh cho rằng nên có yêu cầu đồng nhất về vị trí đăng tải báo cáo 3 công khai trên website của cơ sở giáo dục để tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin.
“Ví dụ, báo cáo 3 công khai phải được đăng tải cùng chuyên mục giới thiệu về cơ sở giáo dục. Có như vậy, người học và xã hội mới có thể thuận lợi trong việc giám sát và đối sánh” - thầy Ngọc Anh gợi ý.
Còn nhiều trường đưa 3 công khai chưa minh bạch
Cùng trao đổi về dự thảo Thông tư này, Tiến sĩ Lê Đông Phương - cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, báo cáo 3 công khai bao gồm những thông tin về người học, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính… để các cơ quan quản lý trực tiếp cũng như cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để giám sát, quản lý.
Bên cạnh đó, công bố thông tin 3 công khai còn là đưa thông tin về độ tin cậy của nhà trường, tạo niềm tin cho sinh viên, đối tác, cơ sở quản lý…
Hiện nay, nhiều trường đại học đăng báo cáo 3 công khai chưa có sự minh bạch, điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc giám sát của công luận, của các nhóm đối tượng quan tâm đến nhà trường, tìm hiểu về hoạt động của trường như sinh viên, đối tác.
Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh đó là điều không hay: “Cách đây chưa lâu, câu chuyện Trường Đại học Nguyễn Trãi đăng tải thông tin 3 công khai trên website và thông tin báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điểm khác nhau, đã cho thấy có sự không minh bạch. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần phải có hình thức xử phạt đối với những trường hợp tương tự”.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, các cơ sở giáo dục cần phải hình dung một cách chính xác việc công khai thông tin trong các báo cáo này sẽ mang lại giá trị cho nhà trường. Trước hết là dễ dàng cho các nhóm khách hàng tiềm năng của nhà trường - tức là các đối tác, sinh viên tương lai, những người đang quan tâm và tìm hiểu về hoạt động của nhà trường tìm hiểu, khai thác và tiếp cận các nội dung đó.
Mặt khác, Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng bày tỏ: “Sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Luật Ngân sách thì cần khẳng định rõ công khai tài chính, cơ sở vật chất… là việc bắt buộc và các cơ quan quản lý cần có những chế tài cụ thể. Từ đó, một mặt, các trường phải có nhận thức rõ ràng, mặt khác, tạo được “sức ép” về mặt hành chính, tài chính để thực hiện công khai đầy đủ.
Đồng thời, cũng cần đưa ra một chỉ số, thước đo đánh giá về mức độ tin cậy của nhà trường thông qua việc công bố thông tin 3 công khai. Điều đó giúp xã hội có cái nhìn rõ hơn về nhà trường, đồng thời tạo được sức ép với nhà trường để công khai thông tin một cách đầy đủ, đúng quy định”.