Liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity (viết tắt là liên danh tư vấn) vừa có báo cáo lần ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (đồ án) gửi UBND TP.HCM. Đồ án nêu ra 17 công viên ven sông Sài Gòn TP muốn phát triển trong tương lai. Trong ảnh là 17 vị trí theo đồ án.
Cụ thể, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành ba khu vực (theo chiều dài sông) để phát triển 17 công viên ven bờ sông gồm: Khu vực phía bắc, khu vực trung tâm TP và khu vực phía nam. Khu vực phía bắc sẽ phát triển bốn công viên ven sông quan trọng: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới ở quận 12 - huyện Hóc Môn, công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).
Khu vực trung tâm TP có sáu công viên: Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Thủ Thiêm, Công viên chân cầu Phú Mỹ, khu công viên Thanh Đa, Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Các hình nhỏ công viên trong đồ án là minh họa trong tương lai.
Quang cảnh minh họa theo đồ án về công viên khu trung tâm TP. Một trong những chiến lược phát triển sông Sài Gòn của đồ án lần này là tổ chức các loại hoạt động cộng đồng, lễ hội văn hóa, sáng tạo… trong các khu vực xanh, sinh thái lớn dọc sông. Đồng thời tái cấu trúc các công viên lớn hiện hữu, đặc biệt ở khu vực gần sông, để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hoạt động lễ hội đông người.
Trên thực tế, chỉ với việc cải tạo ven sông và tạo khu công viên phía Thủ Thiêm, TP Thủ Đức cũng đã thay đổi diện mạo TP khang trang hơn. Với việc trồng cả hoa hướng dương, làm các công trình phục vụ công cộng ở đây đã khiến nhiều người thích thú và thuhu1t rất nhiều người dân đến tham quan dịp tết Dương lịch vừa qua.
Trước đó, TP cũng cải tạo công viên bến Bạch Đằng, biến khu này thành nơi vui chơi, ngắm cảnh sông nước và sinh hoạt cộng đồng của người dân TP.
Chảy qua khu trung tâm TP, sông Sài Gòn xuôi xuống phía Nam, tương lai sẽ có bảy công viên ở đây: Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên khu Tân Thuận, Công viên Bắc Bình Khánh, Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè), Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị mới và công viên của khu đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).
Minh họa về hình thái phát triển đô thị để tận dụng bờ sông ở TP.HCM.
Mô hình kết nối giao thông công cộng với sông Sài Gòn.
Để kết nối giao thông công cộng tốt hơn, tư vấn cũng đề xuất làm đường ven bờ sông nối Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài gần 70 km.
Đồ án cũng xác định những vị trí chiến lược làm điểm nhấn đô thị, đặc biệt là các điểm hợp lưu sông và các mũi đất nhô ra dòng sông, tạo thế uốn khúc, có tầm nhìn từ nhiều phía. Những điểm này bao gồm các điểm ngoài khơi, khu lấn biển.... Các điểm nhấn này vừa là điểm nhấn thị giác, vừa là các điểm dừng của hệ thống thuyền trên sông, kết hợp các hoạt động công năng chính. Trong ảnh là các vị trí điểm nhấn cần quan tâm.
Liên danh tư vấn cũng đề xuất bố trí những chức năng có tính chất đột phá nhất dọc bờ sông Sài Gòn bao gồm trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, AI, 4.0, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, các dịch vụ xã hội tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghệ cao…
Các khu đô thị dọc sông Sài Gòn sẽ tạo động lực phát triển. Theo liên danh tư vấn, không gian sông Sài Gòn là một trong những trọng tâm phát triển, mang tính chất đột phá của TP trong thời gian tới.
Dải đô thị bờ sông của TP.HCM sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách. Đây cũng là điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TP.
Ngoài sông Sài Gòn, TP cũng nên quan tâm đến thiết kế đô thị kênh rạch để tận dụng các không gian, khoảng xanh phục vụ cộng đồng.