Vị trí IT nào được trả lương cao nhất?

Làn sóng sa thải và sự phát triển của AI là những lo ngại của nhân sự IT. Bên cạnh đó, báo cáo của ITviec tìm ra vị trí được trả lương cao nhất ngành công nghệ thông tin.

Báo cáo Mức lương & Mong đợi nghề nghiệp của các chuyên gia IT tại Việt Nam 2023-2024 của công ty tuyển dụng ITviec đã đem lại những phân tích tổng quan về mức lương cạnh tranh và cơ hội nghề nghiệp của một trong những lĩnh vực hot nhất hiện nay - công nghệ thông tin (CNTT).

Theo ông Naoto Iijima, CEO của ITviec, báo cáo này là cơ sở dữ liệu giúp các lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những chiến lược tuyển dụng và khả khi hơn trong năm mới.

"Các lát cắt trong báo cáo sẽ góp phần làm tăng sự tự tin cho doanh nghiệp và các nhân sự trong lĩnh vực, đồng thời mang lại hiệu quả trong quá trình tìm việc và tuyển dụng dài hạn", ông Naoto Iijima nói.

Vị trí được trả lương cao nhất

Mức lương và các thông tin trong báo cáo được tổng hợp, phân tích dựa trên phản hồi của 2.207 chuyên gia, nhân sự ngành CNTT thuộc nhiều vị trí, ngôn ngữ lập trình, số năm kinh nghiệm, tỉnh thành khác nhau. Trong đó:

Solution Architect (kiến trúc sư giải pháp) là vị trí được trả lương cao nhất trong tổng số 25 vị trí thuộc ngành IT, với khoảng 63 triệu đồng/tháng.
Xếp thứ 2 ngay sau đó là các chuyên gia Tech Lead (trưởng nhóm kỹ thuật) với mức lương 50 triệu đồng cho nhân sự từ 3 năm kinh nghiệm trở lên.
Vị trí thứ 3 thuộc về Project Leader/Project Manager (quản lý dự án) với mức lương 48 triệu đồng/tháng cho những chuyên gia có 5 năm kinh nghiệm.

Những vị trí này đều đòi hỏi kỹ năng chuyên môn vững chắc. Từ đó, họ có thể phát triển lên các vị trí khác, đảm bảo mức lương cao ổn định trong cả ngắn hạn và dài hạn.

 Solution Architect (kiến trúc sư giải pháp) là vị trí được trả lương cao nhất trong tổng số 25 vị trí thuộc ngành IT. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Solution Architect (kiến trúc sư giải pháp) là vị trí được trả lương cao nhất trong tổng số 25 vị trí thuộc ngành IT. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả khảo sát, các chuyên gia IT làm việc cho các công ty đến từ Australia và New Zealand, được nhận mức lương trung bình mỗi tháng là 56,7 triệu đồng, cao nhất trong số các quốc gia nằm trong danh sách.

Trong khi đó, mức lương trung bình mỗi tháng do các công ty tại Việt Nam và Nhật Bản chi trả cho người lao động lại thấp nhất, lần lượt là 30,1 triệu đồng và 32,7 triệu đồng.

Các công ty từ châu Âu, Mỹ và Canada trả mức lương trung bình mỗi tháng từ 45,7 đến 46,7 triệu đồng.

Các nhân sự IT tham gia khảo sát cũng tiết lộ mong đợi và kỳ vọng của họ về mức lương trong năm tới.

Nếu nhảy việc, các nhân sự trong ngành hy vọng mức lương tăng 31% so với con số cũ. Trong khi đó, nếu tiếp tục công việc, họ kỳ vọng được tăng thêm 24% so với lương hiện tại.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Ngành CNTT tại Việt Nam vẫn đang chịu hưởng bởi những thách thức về kinh tế vĩ mô toàn cầu và làn sóng sa thải nhân viên ngành công nghệ trên diện rộng,

Theo báo cáo năm 2024, 331 chuyên gia IT, tương đương 15% tổng số người tham gia khảo sát, cho biết họ đã nghỉ việc vì chiến lược cắt giảm quy mô và sa thải của công ty.

41,9% trong số họ làm việc cho các công ty Product.
53% trong số họ làm việc cho công ty có quốc gia chủ quản là Việt Nam.
Các chuyên gia IT có 5-8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực (30,8%) và các chuyên gia IT có 1-2 năm kinh nghiệm (22,7%) là nhóm bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các đối tượng khác.
Top 3 ngành nghề ghi nhận số nhân sự IT nghỉ việc nhiều nhất do tình trạng sa thải là Ngân hàng, Dịch vụ Web & Sản phẩm phần mềm và Thương mại điện tử.

 Nhân sự ngành IT đang đối mặt với nhiều thách thức khi làn sóng sa thải chưa dừng lại và các vị trí ngày càng cạnh tranh. Ảnh minh họa: Olia Danilevich/Pexels.

Nhân sự ngành IT đang đối mặt với nhiều thách thức khi làn sóng sa thải chưa dừng lại và các vị trí ngày càng cạnh tranh. Ảnh minh họa: Olia Danilevich/Pexels.

Mức lương thấp hơn mong đợi (chiếm 33,9%) là lý do phổ biến nhất khiến các nhân sự trong lĩnh vực này rời bỏ vị trí của họ. Ngoài ra, một số lý do khác đến từ việc thay đổi định hướng sự nghiệp (chiếm 33,1%) hoặc do công ty và sản phẩm không còn tiềm năng phát triển (chiếm 23,7%).

Bên cạnh những khó khăn trên, 29,6% nhân sự trong lĩnh vực này cho biết họ gặp nhiều áp lực tinh thần, căng thẳng.

24,1% người lao động gặp các vấn đề suy giảm sức khỏe thể chất.

Xếp sau đó là các thách thức khác như công việc phát sinh ngoài dự kiến (38,9%), lo lắng bị tụt hậu (FOMO) (38,5%) và tiếng Anh giao tiếp hạn chế (33,8%).

Sức ảnh hưởng của AI

Generative AI (AI tạo sinh) ngày càng được chấp nhận rộng rãi bởi các chuyên gia IT, dẫn chứng là 50,4% trong số những người tham gia khảo sát cho biết họ đang ứng dụng công cụ này vào công việc hàng ngày.

Các ứng dụng liên quan đến code chiếm 3/5 ứng dụng Generative AI được sử dụng phổ biến nhất.

Trong đó, giới lập trình yêu thích nhất là Chat GPT (83,9%), xếp sau đó lần lượt là GPT-4, Bard, GitHub Copilot, Midjourney, Tabnine, PyCharm...

Đa phần, các nhân sự lĩnh vực này sử dụng AI cho các mục đích như đề xuất và hoàn thiện code (55%), nghiên cứu tổng hợp thông tin (35%), cải tiến, tái cấu trúc code (30%)...

Các ngành ứng dụng AI tạo sinh dẫn đầu bao gồm Tiếp thị & Quảng cáo, Công nghệ và Tư vấn.

 AI vẫn là lĩnh vực khiến các nhân sự trong lĩnh vực CNTT lo ngại. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

AI vẫn là lĩnh vực khiến các nhân sự trong lĩnh vực CNTT lo ngại. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Tổng quan, các chuyên gia IT Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của Generative AI, với điểm trung bình là 7,4/10.

Đánh giá này tương thích với phản hồi của các lập trình viên trên thế giới trong các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Stack Overflow và GitHub.

Cụ thể, 70% số người được hỏi cho biết những công cụ này giúp ích cho công việc của họ và 77% thể hiện sự quan tâm đến việc tích hợp các công cụ AI vào quá trình phát triển của họ.

Tuy nhiên, nhiều nhân sự IT cũng bày tỏ lo ngại về mức độ chính xác của dữ liệu, đòi hỏi sự kiếm soát về chất lượng nội dung do AI tạo ra.

Nhiều người bày tỏ sự lo lắng về việc AI tạo sinh có thể thay thế vị trí của họ. Bên cạnh đó vẫn còn những rào cản về mặt chi phí, các yêu cầu đặc thù về cả phần mềm lẫn phần cứng, kỹ năng vận hành và bảo trì khi sử dụng AI được quan tâm.

Mỹ Trinh

Đồ họa: GETRONYDESIGN

Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-kho-cua-nhan-su-it-o-viet-nam-post1462668.html