Vị tướng đức độ, tài cao
Đại tướng Chu Huy Mân được đánh giá là người cộng sản kiên trung, vị tướng tài ba, đức độ. Sinh thời, Đại tướng được đồng chí, đồng đội, bà con họ hàng và nhân dân hết mực quý trọng.
Vị tướng của dân
Đã gần 50 năm trôi qua, ông Nguyễn Xuân Bá (SN 1935, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vẫn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Đại tướng Chu Huy Mân. Khi vừa gặp mặt, nghe ông Nguyễn Xuân Bá nói giọng “Nghệ”, đồng chí Chu Huy Mân liền hỏi: “Chú quê Nghệ An à? Ở huyện nào vậy?”. Ông Bá liền đáp: “Thưa anh! Em quê Yên Thành ạ!”. “Mình quê Hưng Hòa, Hưng Nguyên đây!”, đồng chí Chu Huy Mân tươi cười khi được gặp đồng hương. Hai người mỗi lúc càng trở nên thân thiết như anh em lâu ngày gặp lại… “Trước đó, tôi không nghĩ anh Chu Huy Mân lại thân mật, cởi mở và nhiệt tình như vậy. Sau lần ấy, tôi và anh vẫn giữ liên lạc, thi thoảng gặp nhau tại hội nghị, anh vẫn thân mật và vui vẻ”, ông Nguyễn Xuân Bá kể.
Mỗi lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân, ông Nguyễn Xuân Bá luôn có những kỷ niệm không thể quên về Đại tướng. Ông Bá nhớ lại: “Một dịp về Nghệ An công tác không thấy tôi đi làm, Đại tướng Chu Huy Mân liền hỏi thăm mọi người và biết tôi bị đau, đang nghỉ ở nhà. Trưa hôm ấy, đang nằm nghỉ, chợt nghe tiếng gõ cửa, bước ra mở cửa, tôi chợt sững sờ khi người đứng trước mặt là Đại tướng Chu Huy Mân và các đồng chí thư ký, cận vệ. Đại tướng nói: “Vào công tác, nghe tin chú bị đau, tôi sắp xếp đến nhà thăm”. Tôi thực sự rất xúc động không nói thành lời, bởi lẽ vị Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước bận rộn bao công việc nhưng vẫn tìm đến nhà thăm mình khi bị đau…”.
Là cháu của Đại tướng Chu Huy Mân, ông Chu Huy Biên (SN 1952) có may mắn từng được gặp gỡ, chuyện trò với người chú ruột tài ba, đức độ của mình. Mỗi lần chú cháu gặp mặt, ông Biên luôn được Đại tướng nhắc nhớ về truyền thống của gia đình, dòng họ và của quê hương để bồi đắp niềm tự hào. “Mỗi lần có việc ra Hà Nội, ghé thăm nhà chú, lần nào trò chuyện chú cũng hỏi tôi rằng: “Hưng Hòa quê mình dân đã đỡ đói khổ chưa con?”. Điều đó cho thấy chú tôi luôn luôn hướng về đồng bào và quê hương của mình, nơi đã sinh ra và lớn lên”, ông Chu Huy Biên nói.
Đại tướng Chu Huy Mân cũng luôn hướng về tổ tiên, dòng họ và quan tâm, nhắc nhở con cháu ghi nhớ công đức của tổ tông. Khi đã nghỉ hưu, công việc thảnh thơi hơn, Đại tướng thường sắp xếp thời gian về thăm quê, thăm bà con họ hàng, xóm giềng. Cũng từ lúc nghỉ hưu và vẫn còn khỏe mạnh, hầu như năm nào Đại tướng cũng về vào dịp tế tổ, chung niềm vui với gia tộc, họ hàng và chuyện trò thân mật cùng các thế hệ con cháu.
Nhà lãnh đạo quân sự - chính trị toàn diện
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Đội Tự vệ đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933-1935) và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936-1939.
Trong giai đoạn 1937-1942, đồng chí Chu Huy Mân nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man. Trong chốn lao tù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung. Tháng 8-1945, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy lãnh đạo tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Sau đó, đồng chí lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất ở cả trong nước và các nước bạn Lào, Trung Quốc. Trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là tiến công cứ điểm Đồi A1, cứ điểm C1, C2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4 (ở phường Đội Cung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Tôi có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng Chu Huy Mân từ hồi chiến đấu ở Khu 5, trong cuộc đối đầu với Mỹ - ngụy và học hỏi ở anh được nhiều điều. Anh Chu Huy Mân luôn xác định được vấn đề nòng cốt cho mỗi giai đoạn, mỗi chiến dịch. Anh Chu Huy Mân là người có công lớn, đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của Mỹ - ngụy. Khu 5 được biết đến là nơi “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội như trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Tư lệnh Chu Huy Mân đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “Vành đai diệt Mỹ”, một hình thức độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), đặc biệt là chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (1975) với vai trò Chính ủy. Qua đó, thể hiện tài thao lược, sự quyết đoán và nắm chắc tương quan lực lượng của vị tư lệnh chiến trường...”.
Đồng chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ tài năng, sự sáng tạo đầy bản lĩnh với sự quyết đoán cao của nhà lãnh đạo quân sự - chính trị toàn diện, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho. Thành công đó biểu thị phẩm chất cao quý của nhà chỉ huy quân sự - chính trị xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam - đồng chí Hai Mạnh - Chu Huy Mân.
Đồng chí Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Sinh ra ở vùng quê địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, được gia đình tạo điều kiện học tập, Đại tướng Chu Huy Mân đã sớm tiếp thu truyền thống quê hương và giác ngộ cách mạng. Ngay từ những năm đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã gắn bó với lực lượng vũ trang. Tài thao lược của đồng chí gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-tuong-duc-do-tai-cao-post682035.html