Vị tướng trận mạc anh hùng

Dẫu biết rằng quy luật 'sinh, lão, bệnh, tử' không ai tránh khỏi, nhưng sự ra đi mãi mãi của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 1 và rất nhiều đồng chí, đồng đội, cơ quan, đơn vị và gia đình về vị tướng anh hùng, giàu lòng nhân ái.

Tháng 9-1945, khi mới 14 tuổi, đồng chí Khuất Duy Tiến bắt đầu tham gia các hoạt động của Việt Minh; 16 tuổi tham gia cán sự thiếu nhi xã rồi trở thành Xã đội phó và Phó ban Thông tin xã Đại Đồng (nay thuộc huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

Đầu năm 1950, sau khi tham gia trừ khử Việt gian, đồng chí Khuất Duy Tiến bị lộ, bị địch bắt giam, tra tấn tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, nhân sơ hở của địch, đồng chí đã cùng một số tù nhân trốn thoát, rồi gia nhập Quân đội ngày 4-9-1950. Với sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tháng 2-1952, đồng chí Khuất Duy Tiến vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: SƠN BÌNH

Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: SƠN BÌNH

Hơn nửa thế kỷ phục vụ cách mạng, với 72 năm tuổi Đảng, 47 năm công tác trong Quân đội, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến, từ người chiến sĩ đến khi trở thành một vị tướng trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đồng chí Khuất Duy Tiến được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó nhiều trọng trách như: Tư lệnh Quân đoàn 3; Cục trưởng Cục Tổ chức động viên (nay là Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam); Hiệu trưởng Trường SQLQ 1. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc ta, đồng chí luôn giữ vững lòng kiên trung, ý chí sắt đá, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy mưu lược, sáng tạo, cùng với đồng đội, đơn vị lập nhiều chiến công.

Đầu năm 1971, quân Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên Lam Sơn 719, đánh vào khu vực Đường 9-Nam Lào nhằm cắt đứt mạch máu tiếp viện chiến lược của Quân đội ta. Ngày 30-1-1971, một sư đoàn của Mỹ mở cuộc hành quân càn dọc Đường 9, chiếm lại Khe Sanh, làm bàn đạp cho ngụy quân Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Nam Lào. Qua một ngày chiến đấu, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) dưới sự chỉ huy của đồng chí Khuất Duy Tiến đã diệt gọn Tiểu đoàn dù 6 của địch. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 2-1971, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 64 trực tiếp đánh chiếm điểm cao 543, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 của ngụy quân Sài Gòn, góp phần làm phá sản cuộc hành quân Lam Sơn 719 và phá vỡ mục tiêu "hủy diệt, giành dân và bóp nghẹt" của địch.

Trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, Trung đoàn 64 dưới sự chỉ huy của đồng chí Khuất Duy Tiến nhận được lệnh cùng các đơn vị phối thuộc bao vây, chiếm lĩnh khu vực điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta), tạo điều kiện cho các lực lượng giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh vào tháng 4-1972. Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến tích cực, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, nhằm giải phóng Buôn Ma Thuột và tiến quân về đồng bằng. Đây là chiến dịch mang tầm chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để bảo đảm thắng lợi, đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Khuất Duy Tiến, khi đó là Trưởng phòng Tác chiến (Mặt trận Tây Nguyên) xây dựng kế hoạch nghi binh địch, cô lập và bất ngờ tấn công Buôn Ma Thuột.

Kế hoạch nghi binh được thực hiện khéo léo khiến địch tập trung phòng thủ tại Kon Tum-Gia Lai, trong khi quân ta bí mật di chuyển lực lượng xuống Nam Tây Nguyên. Kế hoạch nghi binh thành công không chỉ giảm thương vong cho quân ta mà còn đẩy địch vào thế bất ngờ, giúp giải phóng Buôn Ma Thuột nhanh chóng, tạo thế tiến công liên hoàn giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Thành công này đánh dấu bước ngoặt chiến lược, mở đường cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những năm 1978-1979, trên cương vị Tư lệnh Sư đoàn 320, đồng chí Khuất Duy Tiến cùng đồng đội chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Trở về từ chiến trường Tây Nam, đồng chí Khuất Duy Tiến tiếp tục cùng Quân đoàn 3 hành quân ra miền Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, mang lại hòa bình lâu dài cho đất nước.

Tháng 3-1994, từ cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, đồng chí Khuất Duy Tiến được điều động về làm Hiệu trưởng Trường SQLQ 1. Thời điểm này là giai đoạn nhà trường chuyển đổi bậc đào tạo, từ đào tạo sĩ quan 3 năm sang đào tạo hệ cao đẳng quân sự 4 năm và chuẩn bị mọi mặt để chuyển sang đào tạo đại học. Với sự tâm huyết, trách nhiệm, đồng chí Khuất Duy Tiến đã cùng Thường vụ, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, mở rộng liên kết với các trường Quân đội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, rèn luyện thế hệ sĩ quan tương lai, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đóng góp quan trọng trong xây dựng nhà trường, Quân đội vững mạnh.

Là người cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy tài năng, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Dù ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí Khuất Duy Tiến cũng luôn mang hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý. Đặc biệt, đồng chí Khuất Duy Tiến còn là tấm gương về lòng trung thành, tính khiêm tốn và lòng vị tha, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình, dành phần hơn cho đồng đội, cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, luôn giữ vững và tỏa sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ kể cả khi hoàn thành nhiệm vụ, về nghỉ hưu với gia đình, quê hương.

Tiễn biệt Trung tướng Khuất Duy Tiến, toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường SQLQ 1 nguyện học tập, noi gương đồng chí, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.

Đại tá NGUYỄN TRUNG HIẾU, Phó hiệu trưởng, Phụ trách Trường Sĩ quan Lục quân 1

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/vi-tuong-tran-mac-anh-hung-804535