Vị tướng và những trận chiến sinh tử bên dòng Thạch Hãn

Từng trải qua chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào) năm 1970, sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, tới nay, dù đã gần hơn thế kỷ trôi qua, ký ức về những đồng đội hy sinh, về dòng Thạch Hãn năm nào vẫn chảy mãi trong tâm trí của Trung tướng Nguyễn Đức Sơn.

Những lần thoát "cửa tử" nơi chiến trường khói lửa

Tới thăm Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tại nhà riêng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi được trò chuyện với ông trong phòng khách, nơi lưu giữ những kỷ vật, huân chương, huy chương, ảnh kỷ niệm suốt một đời binh nghiệp. Bên ấm trà nóng, ông nhiệt tình mời chúng tôi món bưởi Thồ Bạch Hạ, giống quả đặc sản từ mảnh đất Phú Xuyên, nơi ông sinh ra và lớn lên. Cũng chính tại nơi đây, vào ngày 26-3-1967, ông đã xung phong ra mặt trận khi chưa tròn 18 tuổi.

 Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trở thành tân binh của Trung đoàn 165, Sư đoàn Bộ binh 312, một trong những sư đoàn được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đối với ông vừa là điều may mắn, lại vừa là thử thách: “Đơn vị của tôi là đơn vị chủ lực, thực hiện song song hai nhiệm vụ là bảo vệ các vùng trọng yếu và tham gia các chiến dịch lớn. Sau mỗi chiến dịch, chúng tôi lại về thăm nhà ít ngày. Lần nào tạm biệt quê hương để quay lại chiến trường, tất cả đều phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với mất mát, hy sinh. Đau xót lắm nhưng giữa chiến trường ác liệt, chỉ còn con đường duy nhất là tiếp tục chiến đấu để giữ trọn độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc”.

Ký ức khắc khoải nhất trong đời chinh chiến của Trung tướng Nguyễn Đức Sơn gắn liền với trận đánh trên đồi Măng Mô, tháng 9-1969. Khi đó, Sư đoàn 312 nhận lệnh tham gia “Chiến dịch 139” tại Lào, là lực lượng chính trong giai đoạn đầu - giải phóng thị xã Xiêng Khoảng. Ông dẫn đầu mũi tấn công vào lô cốt địch, nhưng kế hoạch gặp trục trặc khi các mũi khác bị phát hiện, quân địch phản kích dữ dội, với số quân vượt xa dự tính. Khi đạn dược đã cạn, ông và đồng đội, cũng là người đồng hương chí cốt Nguyễn Văn Vịnh quyết định ở lại kìm chân địch để đồng đội rút lui.

"Đạn địch bắn xối xả về phía hai chiến sĩ can trường. “Khi ấy, máu trên người chảy nhiều đến mức tôi không biết là máu Vịnh hay máu tôi. Tôi chỉ biết Vịnh đã bị thương ở mặt, đau đớn, kêu rên trong vô thức, phải ấn giữ mắt anh để anh bớt đau. Một tay tôi tiếp tục chiến đấu phóng thủ, tay kia kéo Vịnh về phía lô cốt mà quân ta đang bám trụ. Đến khi về được với đồng đội, tôi mới ngất lịm đi vì mất máu quá nhiều. Tôi tỉnh lại lúc trời gần sáng và rất buồn khi biết Vịnh đã hy sinh...”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn nghẹn giọng khi nhắc tới sự hy sinh của đồng đội.

Sau trận ấy, trên người ông Sơn bị găm 6 mảnh đạn, nhưng thật may vì hầu hết đều ở phần mềm. Nặng nhất là mảnh nhỏ găm sâu trong đầu, không thể mổ ra được. Sau ba tuần điều trị bệnh xá ở sư đoàn, thấy mình đã bình phục, ông lập tức xung phong trở lại chiến trường để kịp chiến đấu ở giai đoạn ba của chiến dịch. Kể tới đây, ông vén tóc, chỉ cho chúng tôi vết sẹo dài độ một đốt ngón tay, sờ lên chỉ thấy gợn gợn. Thi thoảng trái gió trở trời, nửa đầu và phần mặt bên có mảnh đạn của ông lại đau nhức. Mỗi lần như thế, ký ức về trận đánh đồi Măng Mô và hình ảnh cuối cùng của chiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh lại ùa về, khiến ông nhói lòng.

Tới tháng 7-1970, chiến dịch phản công ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào) mang tên Chiến dịch 139 cuối cùng đã kết thúc thắng lợi. Trung đoàn 165 đã đánh 158 trận lớn nhỏ, diệt gọn 3 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại 4 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 1.436 tên địch, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, thu và phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Sau đó, Chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (Mật danh là chiến dịch Z) được tiến hành trong 4 tháng, từ tháng 12-1971 đến tháng 3-1972. Ông được điều động làm Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, tham gia trận đánh tại đỉnh Ta Can. Cả ba trận đầu, cả đại đội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ giao phó. Nhưng tới giai đoạn cuối cùng, đội hình gồm 16 người của Trung đội 6 đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ truy kích địch giữa mưa bom bão đạn. Một sự mất mát quá đỗi đau xót. Bản thân ông Sơn đã thoát chết trong gang tấc khi bom địch nổ gần hầm chiến đấu, khiến hai người đồng đội kề cạnh ông lúc ấy là đồng chí Trần Văn Cơ, đồng chí Đỗ Văn Bạo hy sinh. Còn ông Sơn thì được đồng đội tìm thấy trong tình trạng thoi thóp và đã được cứu sống.

Khi đang chiến đấu ở Lào, ông được điều gấp về Mặt trận Quảng Trị để bổ sung lực lượng, bởi chiến trường nơi đây đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngày 2-9-1972, Tiểu đoàn 5 nhận được tin sẽ được bổ sung 52 tân binh tại thôn Nhan Biều, huyện Triệu Phong. Đó là niềm vui cho đơn vị giữa lúc cam go, giành giật với địch từng góc nhà mà quân số đang ngày một hao hụt. Tuy nhiên, để đưa tân binh về vị trí chiến đấu, cả đoàn buộc phải vượt sông Thạch Hãn – nơi địch đánh phá không ngừng bằng pháo binh và không quân. Lúc ấy ông Nguyễn Đức Sơn đã là Chính trị viên phó của Tiểu đoàn 5 được giao chỉ huy thực hiện nhiệm vụ khó khăn.

Đêm 3-9, sau khi quan sát địa hình và tính toán kỹ lưỡng, ông Sơn quyết định dẫn tân binh vào hầm trú ẩn, chờ đợi thời cơ vượt sông ngay khi địch bắn loạt pháo đầu tiên vào bờ phía Bắc, rồi dần chuyển làn sang giữa sông. Đúng 1 giờ 10 phút ngày 4-9, đoàn 68 người, gồm 8 cán bộ, 8 chiến sĩ cũ và 52 tân binh, bắt đầu hành trình vượt sông trong sự che chở của bóng đêm và những khoảng ngừng giữa loạt pháo. Họ vừa bơi, vừa lội, khéo léo lợi dụng thời gian ngừng bắn để di chuyển. Đến rạng sáng, đoàn đã an toàn trở về vị trí chốt giữ của Tiểu đoàn 5 ở khu vực đông nam Thành cổ Quảng Trị, đầy đủ quân số và an toàn.

Có một dòng sông chảy mãi

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn kể, kết thúc tuần lễ cuối cùng ở Thành cổ, trước khi chia tay, mọi người hẹn với nhau, hòa bình rồi, hằng năm, nếu còn khỏe, cố gắng gặp nhau ở trung đoàn. Lời hẹn ước đó tưởng đơn giản, nhưng thực tế chẳng dễ dàng. Bởi chiến tranh ở biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh ở biên giới phía Bắc cứ liên tiếp kéo dài, buộc phải mỗi người mỗi ngả. Mãi tới sau này, khi đều đã về hưu, ông và một số đồng đội còn khỏe mới thường xuyên giữ liên lạc, như “ông Măng ở Đông Anh hay ông Diện ở Cam Ranh”.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn trân quý những kỷ vật, huân chương, huy chương, ảnh kỷ niệm suốt một đời binh nghiệp.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn trân quý những kỷ vật, huân chương, huy chương, ảnh kỷ niệm suốt một đời binh nghiệp.

Ngoài ra, còn có một số đồng chí trong lớp tân binh 52 người năm nào được ông dẫn qua dòng Thạch Hãn. “Đồng chí Đậu Văn Tương sau đợt qua sông được phân công làm liên lạc cho tôi những tháng cuối năm 1972. Mấy chục năm qua, chúng tôi vẫn đi lại thăm hỏi, coi nhau như anh em ruột thịt. Tương cũng báo với tôi hiện lớp tân binh xưa còn lại 26 người. Mỗi lần gặp mặt, họ lại nhắc về tôi và sự kiện vượt sông năm ấy, gửi lời chúc tôi luôn mạnh khỏe”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Những trận đánh ác liệt, những lần thoát hiểm trong gang tấc, hay những phút thầm lặng nhớ về “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, tất cả vẫn còn sống động trong tâm trí Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, như thể chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua. Chính vì lẽ đó, nhiều lần gia đình và đồng đội đã động viên ông chắp bút ghi lại những ký ức này, không chỉ để lưu giữ cho riêng mình mà còn để thế hệ sau hiểu hơn về sự hy sinh xương máu của cha ông. Cách đây 2 năm, cuốn hồi ký “Qua sông Thạch Hãn” của ông đã ra đời như thế.

Nhiều người từng hỏi ông tại sao không đặt tên tập truyện là “Vượt sông Thạch Hãn” cho mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Nhưng với ông, “vượt” nghe oai hùng quá, như thể lúc nào cũng phải căng thẳng đối mặt với hiểm nguy. Còn “qua sông” giản dị và nhẹ nhàng hơn, lại bao hàm trọn vẹn những trải nghiệm của một thời tuổi trẻ. Bởi không phải lúc nào người lính cũng chỉ biết đến chiến trường, bom đạn hay những lần đối mặt tử thần, mà còn có những ngày cùng nhau đón Tết, hát ca, giây phút hội ngộ gia đình hay ánh mắt bỡ ngỡ của tuổi đôi mươi lần đầu rung động. Đó là cách ông lưu giữ một hành trình cam go, gian khó, nhưng cũng thấm đẫm những ký ức khó phai.

Xin trích lời PGS, TS, nhà giáo, cựu chiến binh Phạm Thành Hưng viết trong lời giới thiệu cuốn hồi ký "Qua sông Thạch Hãn": “Lại một lần nữa, cái tên sách 'Qua sông Thạch Hãn' khiến tôi bâng khuâng, gợi cho tôi nhớ tới một trong những câu hỏi tu từ hay nhất của Bế Kiến Quốc trong thơ Việt Nam hiện đại: “Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?/Tất cả trả lời: Sinh ra bên một dòng sông”.

Bài và ảnh: BÍCH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/vi-tuong-va-nhung-tran-chien-sinh-tu-ben-dong-thach-han-809876