Vì tuyến đầu chống dịch Covid-19: Phải đạt mục tiêu kép
Vậy là Bệnh viện (BV) Đà Nẵng - ổ dịch lớn nhất nước với nhiều ca lây nhiễm Covid-19 - đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong chiều 25-8. Ngày này tháng trước, Đà Nẵng ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên lây lan trong cộng đồng sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây.
Từ thời khắc đó, dồn dập những tin không vui ập đến, số ca nhiễm tăng liên tục, rồi ca tử vong đầu tiên và thêm nhiều người mắc bệnh nền rất nặng qua đời sau đó.
Sau khi được dỡ lệnh phong tỏa, BV Đà Nẵng từng bước thiết lập quy trình mới để chuẩn bị mở cửa đón bệnh nhân trở lại. Hơn 2.000 cán bộ, nhân viên y tế đã tạm nhẹ nhõm, trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 1 tháng xa cách. Có lẽ trong suốt cuộc đời, họ sẽ không quên ngày chủ nhật lịch sử khi hàng trăm nhân viên y tế không có lịch trực đã vội vã xếp hành lý lần lượt đi vào BV mà không nói với nhau câu nào.
Bác sĩ (BS) Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho hay các y, BS phần thì đi cách ly, phần tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các BV khác. Họ đã bình tĩnh cùng bắt tay nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. "Chúng tôi phải sớm trở lại vì còn bao nhiêu bệnh nhân đang chờ đợi" - BS Nhân nói.
Trong đợt 2 dịch Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng là tâm dịch, trong đó BV Đà Nẵng được xác định là ổ dịch nguy hiểm nhất. Từ ngày 25-7 đến sáng 27-8, số mắc mới liên quan đến Đà Nẵng đã là 547 ca, trong đó có 30 ca tử vong.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, nhìn nhận sự cố lây lan dịch tại BV Đà Nẵng là một bài học xương máu và khẳng định địa phương này sẽ không để cơ sở y tế nào xảy ra tình huống tương tự.
"Một thời gian dài chúng ta ngủ quên trên chiến thắng. Cứ từng ngày đếm, 60 ngày rồi 99 ngày không có ca nhiễm mới và chúng ta đã kiểm soát không chặt. Đó là bài học không chỉ riêng ngành y tế mà còn là của tất cả các ngành" - bà Yến nói.
Phương châm của ngành y tế Đà Nẵng hiện tại được bà Yến gói gọn trong cụm từ "văn hóa Covid-19". Đó là việc thực hiện BV an toàn với Covid-19, trường học an toàn, giao thông an toàn, doanh nghiệp an toàn… Đồng lòng thì mục tiêu kép sẽ hoàn thành, nếu không thực hiện được thì sẽ tiêu tốn nguồn lực.
"Phải xác định công tác chống dịch Covid-19 là không bao giờ được dừng lại. Phải đạt được mục tiêu kép làm sao vừa chống dịch vừa không phải giãn cách xã hội. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19. Đó là chúng ta phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giãn cách…" - bà Yến nói.