Vị vua được phong quân hàm thiếu tá ở nước ngoài
Duy Tân là vị vua nổi tiếng yêu nước. Sau này, ông chiến đấu chống lại quân đội phát xít, được phong quân hàm thiếu tá nước ở nước ngoài.
Cậu bé bắt dế ngồi lên ngai vàng
Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, sau khi phế truất vua Thành Thái, người Pháp muốn đưa một người con của ông lên ngôi. Bấy giờ, tất cả hoàng tử được gọi đến diện kiến, duy chỉ Vĩnh San (mới 7 tuổi) vắng mặt. Mọi người nhốn nháo đi tìm, thấy hoàng tử chui trốn dưới gầm giường.
Vĩnh San được dẫn tới trước mặt viên khâm sứ Pháp, quần áo xộc xệch, mặt mũi lem luốc. Các quan hỏi hoàng tử sợ Tây hay sao phải chui xuống gầm giường, Vĩnh San trả lời: “Ta chui xuống gầm giường không phải vì sợ Tây mà vì đang đi tìm con dế bị sẩy”.
Trong số 10 hoàng tử có mặt, người Pháp thấy Vĩnh San nhỏ nhất, dáng vẻ ốm yếu nên chọn làm vua. Họ hy vọng có một ông vua bù nhìn, để chúng dễ dàng thao túng. Thế nhưng, tất cả đã nhầm, sau khi lên ngôi, Duy Tân đã thay đổi hoàn toàn.
Ngày 5/9/1907, hoàng tử Vĩnh San lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Chỉ một ngày sau lễ đăng cơ, Duy Tân đã đổi khác. Nhà báo Pháp từng thuật lại: Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé 8 tuổi.
Biết vua cha bị người Pháp bắt đi đày, Duy Tân có xu hướng chống lại những kẻ xâm lược. Khi lớn lên, vua có những câu nói, cử chỉ khiến các quan đại thần thân cận không khỏi lo ngại.
Giữa lúc vua cô đơn trên ngôi báu, một số chí sĩ yêu nước thuộc tổ chức Quang Phục hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân đã lên kế hoạch liên lạc với vua, mời ông làm minh chủ, lên kế hoạch lật đổ chính quyền bảo hộ.
Trong một cuộc họp bí mật,
vua Duy Tân đồng ý kế hoạch khởi nghĩa với Việt Nam Quang Phục hội. Không may, kế hoạch của vua và các chí sĩ yêu nước bị bại lộ. Mọi hoạt động của vua đều bị mật thám Pháp nắm rõ. Cuối cùng, ông bị thực dân Pháp phế truất, bắt đi đày ở đảo Réunion, Ấn Độ Dương.
Vị vua thiếu tá chống lại chủ nghĩa phát xít
Tại chốn lưu đày, vua Duy Tân phải trải qua những tháng ngày rất vất vả. Tuy vậy, vua hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, giao thiệp thân tình với nhân dân trên đảo nên rất được lòng mọi người.
Cựu hoàng Duy Tân có khiếu về âm nhạc, ông chơi vĩ cầm rất giỏi, có chân trong ban nhạc hòa tấu tại Saint Denis. Vua Duy Tân viết văn hay, thích nuôi và đua ngựa, từng giành giải nhất trong cuộc đua ngựa trên đảo.
Đặc biệt, vua Duy Tân rất giỏi về vô tuyến điện. Bị đày ở đảo Réunion, ông ham mê nghiên cứu kỹ thuật vô tuyến điện. Đây cũng chính là phương tiện duy nhất cho phép ông liên lạc với thế giới bên ngoài.
Dù bị cách ly với phong trào chống Pháp ở quê nhà, vua Duy Tân vẫn luôn ôm ấp trong lòng nỗi niềm cay đắng của dân tộc bị đô hộ. Ông càng xót xa hơn khi biết vị vua kế tiếp (Khải Định) chỉ là con rối của người Pháp. Niềm hy vọng về một ngày được trở về quê vẫn không ngừng cháy trong lòng vị vua yêu nước này.
Thời gian đó, vua Duy Tân chủ trương gần gũi với người Pháp để tìm cách quay về đất liền, đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Nhiều lần vua xin tham gia quân đội Pháp để rời khỏi đảo Réunion nhưng bị từ chối vì người Pháp cho rằng: “Rất khó mua chuộc ông vua độc lập, mưu đồ rời khỏi Réunion để lập lại ngôi báu xứ An Nam”.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ năm 1939, tướng De Gaulle kêu gọi kháng chiến, vua Duy Tân lập tức xin gia nhập quân đội Pháp. Đến năm 1945, ông được thăng quân hàm thiếu tá.
Tướng De Gaulle đã tiếp cựu hoàng nước Việt và có nhận xét về ông: “Đó là một nhân vật cương nghị. Mặc dù ông bị lưu đày ròng rã 30 năm, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam”.
Sau cuộc gặp gỡ, De Gaulle hứa ủng hộ vua Duy Tân về Việt Nam. Vua Duy Tân công khai quan điểm của mình: “Việt Nam sẽ hợp tác với Pháp trên tinh thần độc lập, tự chủ”.
Ngày 26/12/1945, vua Duy Tân lên máy bay quay lại đảo Réunion thăm người thân trước khi về nước. Tiếc rằng, đây là chuyến bay định mệnh. Chiếc máy bay chở vua Duy Tân gặp nạn ở Cộng hòa Trung Phi, vua qua đời trong chuyến bay này. Đến năm 1987, thi hài ông mới được đưa về Huế, an táng ở An Lăng, bên cạnh mộ vua cha là Thành Thái.