Vị vua gọi phi tần của mình là 'lũ quỷ sứ'
'Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử', vua Gia Long nói.
Được ca ngợi là “con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới” (sách Một chuyến du hành Nam Hà 1792-1793, John Barrow), nhưng ít ai biết rằng, vua Gia Long, người sáng lập ra triều Nguyễn lại coi chuyện quản lý nội cung vô cùng khó nhọc và vất vả.
21 hậu phi, hàng trăm cung phi
Trong sách Đời sống cung đình triều Nguyễn và sách Đời sống trong Tử Cấm thành, từ việc tham khảo, dẫn các chi tiết cuốn Souvenir de Hue của Micheal Đức Chaigneau và các bài đăng báo của ông (ghi lại những kỷ niệm của ông lúc còn thơ ấu khi theo cha là J. B. Chaigneau vào bệ kiến vua Gia Long), tác giả Tôn Thất Bình đã cho biết thêm về đời sống tình cảm riêng tư của vua Gia Long, cũng như việc vua gặp khó khăn như thế nào khi phân xử chuyện tranh chấp giữa các phi tần.
Tác giả sách cho biết, vua Gia Long từng trải qua nhiều hoạn nạn, vua cũng học được cách xét đoán người và thông hiểu tất cả các cơ quan của vương triều. Không một người thừa hành nào giỏi bằng nhà vua và thường bị ngài quở phạt. Thế nhưng, nhà vua lại có những tâm trạng riêng trong đời sống tình cảm của mình.
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả vua Gia Long có tổng cộng 21 hậu phi được ghi rõ tên, lai lịch. Những bà không rõ lai lịch không được kê trong danh sách này. Trong số các hậu phi, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan (sinh được hai hoàng tử, trưởng là Nguyễn Phúc Chiêu, mất sớm, con thứ là Nguyễn Phúc Cảnh sau lập Đông cung) và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang (sinh được ba hoàng tử, trưởng tử là Thánh Tổ Nhân hoàng đế - vua Minh Mệnh) là hai người vợ gắn bó với vua Gia Long suốt thuở còn hàn vi, cùng vua vào sinh ra tử nhiều phen.
Vua Gia Long cũng có một mối tình éo le với Đức phi Lê Thị Bình (bà sinh được 2 hoàng tử và 2 hoàng nữ). Ngọc Bình vốn là vợ vua Quang Toản (con Nguyễn Huệ, nhà Tây Sơn) và là em gái của Ngọc Hân (vợ Nguyễn Huệ). Sau khi đánh thắng Tây Sơn, trở lại Phú Xuân, vua gặp Ngọc Bình và say mê sắc đẹp của nàng nên đã lấy và phong làm thứ phi.
"Giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc"
Gia Long, Nguyễn Huệ, hai người không đội trời chung trở thành hai anh em cột chèo. Hoàng cung Phú Xuân đổi chủ, hoàng hậu cũng thay đổi chồng. Vua Gia Long có nhiều bà vợ ở hai chiến tuyến khác nhau giờ quy về một mối, nên sự xung đột tất yếu xảy ra, làm vua khó bề giải quyết…
Bên cạnh đó, vua Gia Long lại có hàng trăm cung phi (theo bài báo đăng trong tờ Le moniteur de la Flotte của Micheal Đức Chaigneau mà tác giả Tôn Thất Bình dẫn trong sách). Trong khi vua thì chỉ có một, “hơi ấm” không đủ, nên sự ghen tuông, đố kỵ giữa các bà xảy ra là chuyện thường tình. Mặt khác, do có nếp sống trong cung cấm, ít giao thiệp với bên ngoài, nên các bà cũng dễ sinh đau ốm, lại thêm bực bội nếu bị thua sút các bà khác nên rất hay sinh sự với nhau. Mỗi lần như vậy họ lại kéo đến xin nhà vua phân xử.
Bài báo trên của Micheal Đức Chaigneau cũng cho biết, trong những lúc chuyện trò thân mật với một vị quan người Pháp (J. B. Chaigneau), Gia Long thường nói rằng: Với ngài việc cai trị một nước còn ít khó nhọc hơn đối với hậu cung của ngài.
Ngày kia, vào buổi bệ kiến riêng sau một hội nghị quan trọng, vua nói: “Khanh hãy tưởng tượng nhiệm vụ của trẫm hoàn thành khi ngẫu nhiên chúng ta làm chóng những công việc chính trị và hành chính hàng ngày rồi trẫm tìm sự nghỉ ngơi trong nội điện của trẫm ư? Hãy giác tỉnh lại. Khanh sẽ không ngờ rằng, cái gì đợi trẫm ở kia (ngài chỉ về phía hậu cung của ngài) khi trẫm rời khỏi nơi đây. Ở đây, trẫm rất thoải mái vì được nói chuyện với những người xứng đáng; họ lắng nghe trẫm, họ hiểu trẫm và khi cần, họ vâng lệnh trẫm răm rắp.
Còn ở đằng kia, trẫm gặp phải một lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng, trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả. Trẫm không biết ai chịu nhường nhịn ai trong cơn giận dữ”.
“Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc” (vừa giả giọng và điệu bộ của một người đàn bà trong cơ giận dữ, ngài vừa thét): “Muôn tâu bệ hạ, bà đã sỉ nhục thần thiếp; người ta ngược đãi thần thiếp; thần thiếp xin phân xử”, chừng 12 bà khác lại bổ đến, sau khi đã tâu với trẫm chát cả tai: “Muôn tâu bệ hạ, hoàng hậu ghét bỏ thần thiếp… Bà đã làm vui lòng bệ hạ… Đến lượt thần thiếp xin phân xử”.
Trước câu chuyện của vua Gia Long, vị quan người Pháp bày tỏ sự cảm thông: “Việc đó rất dễ, hoàng thượng sẽ có thể giảm mối sầu khổ của họ bằng cách hạn chế số cung phi”. Nhà vua ngắt lời “Suỵt! Hãy nói khẽ! Nói khẽ!”
Ngài cho những tên lính lệ và những hộ vệ quân lui ra và nói tiếp: "Ngài không biết rằng các cung phi hầu hết là con gái của các quan ư? Này, mặc dù số tuổi của trẫm đã đáng kể, nhưng không bao lâu nữa, một vị quan sẽ dâng hiến con gái của ông ta cho trẫm; trẫm không thể từ được. Vì như thế, trẫm sẽ làm ông ta đau đớn. Ở đây chính là một vinh dự và một sự đắc ý đối với trẫm, đó là một sự đảm bảo chắc chắn nhất về lòng trung thành của ông ta. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông".
Như vậy, không phải cứ là bậc thiên tử thì mọi điều đều sung sướng. Lời nói chân thật của một ông vua từng xông pha trên trận địa, từng nếm mật nằm gai bao phen trên phần nào cho thấy nội cung của vua thực sự phức tạp, luôn dậy sóng và rất khó quản lý.
Sau này, vua Minh Mạng cũng ít nhiều được nếm trải những chuyện đánh ghen, xung đột giữa các bà trong nội cung như vua cha. Rút kinh nghiệm, năm Minh Mạng thứ 17, để quản lý trật tự trong nội cung, vua đã quyết định đặt 9 bậc phi tần (cửu giai), định rõ chức phận phải làm, đặt Hoàng Quý phi ở trên bậc nhất cửu giai. Về sau việc duyệt đơn thưa kiện lẫn nhau của các phi tần, mỹ nữ cũng được san sẻ cho Hoàng Quý phi.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-vua-goi-phi-tan-cua-minh-la-lu-quy-su-post984543.html