Vị vua nào tuyên án bằng thơ, tử hình cùng lúc 17 viên quan tham nhũng?

Dù là vị vua nhân từ của triều Nguyễn, nhưng để bảo vệ kỷ cương phép nước, ông vẫn quyết xử phạt nặng quan lại có hành vi tham nhũng, hối lộ.

Người được nhắc đến chính là vua Tự Đức (1829 - 1883), con của vua Thiệu Trị và hoàng thái hậu Từ Dụ.

Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, Tự Đức lên ngôi năm 19 tuổi, được đánh giá là người chăm chỉ và luôn xem xét công việc triều chính kỹ lưỡng, không bao giờ để cho công việc trễ nải.

Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn chép rằng, vua Tự Đức là người chăm chỉ, cần mẫn, nhân từ, luôn hết lòng vì nước, vì dân. Cũng giống ông nội Minh Mạng của mình, vua Tự Đức nổi tiếng mạnh tay chống tham nhũng.

Tranh vẽ vua Tự Đức bởi L.Ruffier.

Tranh vẽ vua Tự Đức bởi L.Ruffier.

Năm Kỷ Dậu (1849), vua Tự Đức ra chỉ dụ: “Trẫm nghe rằng quan sung sướng thì dân càng khốn khổ. Trên được lợi ích thì dưới chịu thiệt thòi. Cũng bởi những kẻ lộng phép mà làm càn, như xử án thẩm hình dụng tâm thay đổi để sách nhiễu hối lộ, hoặc giả ý đốc sưu thuế rồi nhúng tay vào việc bớt xén, hoặc bắt dân đóng góp, bóc lột nặng nề làm riêng cho mình, đem biếu đãi nịnh nọt để dọn đường tiến thân, xưa nay những mối tệ nạn đó không sao kể xiết”.

Vốn là ông vua thơ hay chữ nhất nhì triều Nguyễn, sinh thời, vua Tự Đức rất hay vận dụng thơ ca vào các bản chiếu, biểu chính sự, ngay cả khi tuyên án kẻ phạm tội.

Chuyện kể ngày đó, vị quan thanh liêm, chính trực là Vũ Dinh có lần cho lính theo dõi bắt được người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi trốn ra quán uống rượu. Dù số tiền không nhiều, khi chuyện đến tai Tự Đức, ông cho rằng tội biển thủ nếu không trị nặng thì một ngày kia kho tàng sẽ trống rỗng.

Nhà vua làm bài thơ kết án kẻ tham nhũng:

Nhất nhật nhất tiền

Thiên nhật thiên tiền

Thằng cứ mộc đoạn

Thủy trích thạch xuyên

Tội bất dung tru

Ly ưng xử trảm

Dịch nghĩa:

Một ngày một đồng

Nghìn ngày nghìn đồng

Dây cưa gỗ đứt

Nước chảy đá mòn

Tội bất dung tha

Lệnh truyền xử chém

Tháng 12/1854, thương nhân Trung Quốc tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc. Biết tin vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Vua yêu cầu người có công được thưởng, người có tội phải trừng phạt. "Trẫm có lòng mong đất nước thịnh trị mà bọn tham quan lại khiến người dân phẫn uất, vì thế phải chỉnh đốn lại một phen để thỏa lòng dân".

Kết quả sau đó cho thấy nội dung tố cáo là có thật. Chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người liên quan bị xử bị tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng giam lại đợi lệnh) bao gồm: 4 người từng là thông phán (chức quan nhỏ ở tỉnh), 2 kinh lịch (giúp việc cho quan tỉnh), 8 bát phẩm (phẩm trật thứ 8 trong thang cấp bậc quan lại nhà Nguyễn), hai cửu phẩm (phẩm trật thứ 9), một vị nhập lưu (thư lại chưa được xếp vào ngạch bậc vì chưa qua thi tuyển).

25 người liên quan bị tội lưu (đày đi xa), trong đó có hai quan bát phẩm, 10 cửu phẩm, 13 vị nhập lưu. 12 người mang tội đồ (đày khổ sai). 8 người bị phạt tội trượng (đánh gậy), 8 người bị cách chức.

Vua Tự Đức ra chỉ dụ, trong vụ án này, 8 người bị khép vào tội lưu trở lên mà tuổi từ 70-80, mang bệnh thì cho giảm tội, cắt chức. Ai trả hết tiền đã nhận từ nhà buôn Trung Quốc cũng sẽ được giảm tội.

Với số lượng người bị kết án lớn, trong đó 17 người bị xử tội chết, đây được coi là một trong những vụ án nhận hối lộ quy mô lớn và mức phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử thời phong kiến.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-vua-nao-tuyen-an-bang-tho-tu-hinh-cung-luc-17-vien-quan-tham-nhung-ar921209.html