Vì yêu Việt Nam, tôi xuất bản sách Việt
Trong năm 2020, mặc những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Nhà xuất bản (NXB) I Quaderni del Bardo của nước Ý đã dịch và cho ra mắt độc giả hai cuốn thơ Việt Nam Sông núi trên vai và Ẩn số. Giám đốc NXB Stefano Donno (ảnh bên) thổ lộ: 'Tôi tìm hiểu lịch sử Việt Nam và biết đất nước này phải gánh chịu những gì trong chiến tranh. Tình yêu dần lớn lên trong tâm hồn tôi, lớn đến nỗi tôi muốn đào sâu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Vì yêu Việt Nam, tôi xuất bản sách Việt Nam tại Ý nói riêng, cũng như quảng bá văn hóa Việt đến bạn đọc toàn thế giới'.
Trong năm 2020, mặc những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Nhà xuất bản (NXB) I Quaderni del Bardo của nước Ý đã dịch và cho ra mắt độc giả hai cuốn thơ Việt Nam Sông núi trên vai và Ẩn số. Giám đốc NXB Stefano Donno (ảnh bên) thổ lộ: “Tôi tìm hiểu lịch sử Việt Nam và biết đất nước này phải gánh chịu những gì trong chiến tranh. Tình yêu dần lớn lên trong tâm hồn tôi, lớn đến nỗi tôi muốn đào sâu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam. Vì yêu Việt Nam, tôi xuất bản sách Việt Nam tại Ý nói riêng, cũng như quảng bá văn hóa Việt đến bạn đọc toàn thế giới”.
Qua việc đọc sách, nảy sinh tình người
Thưa ông, NXB I Quaderni del Bardo không chỉ được ghi nhận trong lịch sử xuất bản của Ý, mà còn được biết đến ở nhiều nước khác nhau. Vậy, NXB của ông hẳn đã có những thành tựu lớn trong lĩnh vực xuất bản? Và trong thời của cuộc cách mạng 4.0, ông thấy mình làm việc hiệu quả hơn với sách điện tử hay sách truyền thống?
NXB I Quaderni del Bardo ra đời cách đây 20 năm từ một ý tưởng của nhà thơ người Ý Maurizio Leo ở Copertino (vùng Lecce, Puglia, miền nam nước Ý) nhưng hồi đầu chỉ xuất bản những cuốn sách với phiên bản giới hạn (thường chỉ từ 50 tới 100 bản). Trong số các tác giả được xuất bản sách tại I Quaderni del Bardo có Paolo Valesio - Giám đốc Khoa tiếng Ý tại Đại học Yale (New Haven, Hoa Kỳ). Maurizio Leo - người sáng lập NXB mong muốn rằng việc xuất bản tác phẩm của ông sẽ kết nối con người trên thế giới với nhau qua việc đọc sách, từ đó nảy sinh tình bạn và tình người. Tôi đã gặp ông và đề nghị tham gia NXB, để mở rộng giấc mơ này ra toàn cầu và từ đó khám phá các nền văn hóa khác nhau. Ông đã chấp thuận hoàn toàn để tôi nắm quyền sở hữu NXB. Và thế là phiên bản mới của NXB có tên I Quaderni del Bardo Edizioni by Stefano Donno ra đời, cách đây 5 năm và từ đó tới nay chúng tôi đã có 100 cuốn sách trong danh mục.
Tiêu chí chọn sách là dựa vào lời giới thiệu tác phẩm tốt của các quốc gia từ những tác giả có uy tín và có mối quan hệ với chúng tôi. Cũng có một số cuốn do chính tác giả tự chọn rồi gửi tới NXB. Chỉ trong thời gian 5 năm, chúng tôi đã chọn được những tác phẩm chất lượng từ Mexico, Peru, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và bây giờ là ở Việt Nam để xuất bản. Và nhờ các ấn phẩm này mà NXB của chúng tôi càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Nhiều cuốn sách được thực hiện với sự cộng tác của nhà thơ Laura Garavaglia - người sáng lập Ngôi nhà thơ Como và nhà tổ chức Lễ hội thơ châu Âu. Hầu hết các cuốn sách chúng tôi cho ra mắt đều là sách in, bởi cho dù cũng thích sách điện tử nhưng không có gì sánh nổi tình yêu thẳm sâu và bền vững với sách giấy truyền thống.
Vậy điều gì đã khiến ông chú ý đến Văn học Việt Nam? Trước khi hai tập thơ Việt Nam ra mắt độc giả Ý, ông đã biết những gì về văn học, văn hóa, dân tộc Việt Nam và những ấn tượng ban đầu của ông có thay đổi không, sau khi đọc hết hai tác phẩm thi ca đó?
Tôi tìm hiểu lịch sử Việt Nam bằng cách đọc và nghiên cứu Noam Chomsky, một trí thức bất đồng chính kiến với Chính phủ Mỹ và là nhà phê bình chính trị có uy tín trên thế giới. Và tôi biết Việt Nam đã phải gánh chịu những gì trong chiến tranh qua các bài viết của tác giả vĩ đại này. Sau đó, tôi tham khảo thêm tài liệu qua các trang chuyên ngành như Tutto Việt Nam (https://www.tuttovietnam.it/) và tạp chí Mekong news from the river and around (thuộc Hiệp hội Quốc tế Ý - Việt Nam) và dần dần yêu mến đất nước của các bạn. Tình yêu Việt Nam cứ lớn lên trong tâm hồn tôi, đến nỗi tôi muốn đào sâu những khía cạnh như văn hóa, văn học và những nét đẹp khác của đất nước đặc biệt này. Sau đó, được nhà thơ Laura Garavaglia chuyển cho hợp tuyển thơ Sông núi trên vai (nhiều tác giả từng trải qua thời chiến tranh) và tập thơ Ẩn số (tác giả Kiều Bích Hậu), tôi bắt đầu nhận ra một phong cách mới mẻ khi sống cùng thi ca Việt Nam, theo đó thơ không chỉ là những bài ca về chiến tranh mà còn là những hành động hào hiệp xuất phát từ tình yêu thương với cuộc sống - hay nói đúng hơn là với lối sống được
kế thừa từ một di sản truyền thống vô cùng giàu có.
Văn học Việt Nam có những phẩm chất tương đồng với quốc tế
Ông có thể cho biết tình hình phát hành hai tập thơ này? Ông có gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của người dân Ý vào những cuốn sách đến từ một đất nước lạ lẫm đó không và giới phê bình cùng độc giả Ý có bình luận gì chúng?
Kể từ khi bắt đầu xuất bản sách cho các tác giả có tầm ảnh hưởng quốc tế cũng như tạo cơ hội cho các tác giả và tác phẩm được biết đến nhiều hơn trên thế giới, tôi nhận thấy phương pháp xuất bản và phát hành của Ý còn khá hạn chế, không thỏa mãn kỳ vọng của cả tôi cũng như các tác giả. Do đó, tôi quyết định chuyển toàn bộ công việc phát hành của NXB sang kênh phân phối Amazon để bảo đảm sản phẩm có thể được bán rộng rãi trên khắp thế giới. Tại Ý, chúng tôi quảng cáo sách thông qua trang web Librerie Giunti al Punto (https://www.giuntialpunto.it/librerie/lecce-le-70219). Các nhà phê bình và nhiều tờ báo khác nhau của Ý đã giới thiệu rộng rãi hai ấn phẩm thơ của Việt Nam với đánh giá tích cực là những tác phẩm có giá trị. Còn độc giả Ý đang dần tiếp cận và ngày càng quan tâm hai cuốn sách này. Nhờ đó, độc giả Ý bắt đầu hiểu rằng thơ và văn học nói chung của Việt Nam có những phẩm chất tương đồng với quốc tế.
Sau khi xuất bản hai cuốn sách, ông có thời gian để khám phá thêm những tác phẩm và tác giả Việt Nam khác không? Ông có tìm thấy điểm chung hay khác biệt nào trong lối tư duy giữa các tác giả văn chương Việt Nam và Ý?
Chúng ta không thể nói về sự khác biệt mà về cách cảm nhận và làm thơ thay đổi ở những nơi khác nhau trên thế giới. Tôi tin vào cộng đồng thơ quốc tế và vào sự đa dạng của ngôn ngữ thơ ca ngoài bản sắc dân tộc. Tôi hy vọng kể từ bây giờ NXB của chúng tôi có thể củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hội Nhà văn Việt Nam để xuất bản những tiếng nói mới trong văn xuôi, thơ Việt Nam và thậm chí có thể là các tác giả viết tiểu luận.
Ý tưởng ấn tượng nhất mà ông nhận được từ hai cuốn sách Việt Nam là gì?
Hai cuốn sách của các tác giả Việt Nam rất đặc biệt đối với tôi và cũng nhận được sự chú ý của các nhà phê bình Ý. Nhưng hơn cả, tôi đã phát hiện ra rằng thơ ca thật sự kết nối được tình người từ các lục địa xa xôi về văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý và thậm chí vượt qua biên giới về địa lý cũng như ngôn từ. Việt Nam, Ý hay cả thế giới đều trong một cái ôm thân thiết.
Ông mong đợi điều gì từ sự hợp tác mới giữa nhà xuất bản I Quaderni del Bardo với Hội Nhà văn Việt Nam trong mục tiêu giới thiệu tác phẩm Việt Nam đến độc giả Ý?
Với Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi mong muốn có sự hợp tác cởi mở và mang tính xây dựng nhằm đưa tiếng nói văn học đương đại của Việt Nam cũng như lịch sử văn học Việt Nam đến với độc giả Ý và quốc tế. Và tôi cũng mong kết nối được với các tổ chức chính phủ và các tổ chức xã hội của Việt Nam để họ cộng tác với chúng tôi, để cảm nhận tình yêu của chúng tôi đối với thơ ca, nghệ thuật, văn xuôi, sách phi hư cấu, văn hóa ẩm thực Việt Nam...