Vỉa hè, biển báo giao thông lấm lem bùn đất sau nạo vét sông Tô Lịch
Mặc dù máy móc và công nhân phục vụ nạo vét sông Tô Lịch (Hà Nội) đã dời đi từ lâu, nhưng nhiều đoạn vỉa hè, biển báo giao thông dọc bờ sông vẫn lấm lem bùn đất, mất mỹ quan đô thị.
Ghi nhận trên tuyến đường Bưởi và đường Nguyễn Khang dọc bờ sông Tô Lịch, nhiều đoạn vỉa hè, biển báo giao thông, cột đèn, bốt điện... nhem nhuốc bùn đất, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Người dân ở đây cho biết, những vị trí bị bùn đất "bủa vây" là do hoạt động nạo vét sông Tô Lịch diễn ra vài tuần trước.
"Máy móc và công nhân đã dời đi lâu rồi, bùn đất đã khô cứng nhưng không có đơn vị nào thu dọn, hoàn trả hiện trạng vỉa hè. Nhiều biển báo giao thông lấm lem bùn đất, thông tin trên biển bị che khuất, vừa gây khó cho người tham gia giao thông, vừa làm xấu hình ảnh đô thị", người dân sinh sống trên đường Nguyễn Khang cho hay.

Tại ngã tư Cầu Giấy - Bưởi - Láng, cột đèn tín hiệu giao thông và tấm biển tuyên truyền mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/CP bị bùn đất vấy bẩn.

Nhiều đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Khang lấm lem bùn đất sau hoạt động nạo vét sông Tô Lịch.

Bùn đất lâu ngày không được thu gom đã khô cứng, vô tình trở thành điểm chân rác tự phát gây mất vệ sinh môi trường.

Một đoạn lan can bờ sông Tô Lịch được tháo ra phục vụ công tác nạo vét, nhưng chưa được hoàn trả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Biển báo giao thông trên đường Nguyễn Khang phủ bùn đất, nhiều thông tin bị che khuất...

... gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Xe bùn đất bốc mùi xú uế án ngữ trên vỉa hè đường Nguyễn Khang, dù máy móc và công nhân đã dời đi từ lâu.


Tủ bốt điện, cột đèn chiếu sáng... lấm lem bùn đất, gây mất mỹ quan đô thị.

Đơn vị được giao nạo vét sông Tô Lịch là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Trước đó, từ đầu tháng 2/2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện ngay việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch, cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2025.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp "cứu" sông Tô Lịch như bổ cập nước từ sông Hồng vào đầu nguồn để tạo dòng chảy, xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông và xử lý nước thải ở Nhà máy Yên Xá.