Vỉa hè Hà Nội ra sao sau gần 1 tháng ra quân 'dẹp loạn'?
Sau khi lực lượng chức năng mạnh tay xử lý vi phạm, nhiều tuyến phố đã trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tận dụng vỉa hè cho công việc kinh doanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người đi đường.
Sau gần 1 tháng thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị đồng loạt ra quân xóa bỏ các điểm lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, nhiều tuyến phố Thủ đô đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Theo ghi nhận của PV chiều ngày 23/3, các tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy,... đã "gọn gàng", thông thoáng hơn nhiều so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng.
Khu vực phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một trong những địa điểm tập trung nhiều tuyến phố buôn bán tấp nập, hiện tình trạng các chủ cửa hàng bày bán, để đồ tràn lan ra vỉa hè trước khu vực quán hàng đã giảm đi đáng kể. Một vài ki ốt còn xe máy, hàng hóa bày bán trong khu vực vỉa hè được lực lượng chức năng nhắc nhở, thu dọn vào trong.
Cô Lê Thị T., một chủ cửa hàng quân áo trên phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Từ đầu tháng công an đi nhắc liên tục, đồ đạc phải để phía trong cửa hàng, thỉnh thoảng có xe máy để trên vỉa hè cũng phải cho vào trong. Điều này hơi bất tiện khi có khách đến mua hàng nhưng cũng không biết làm sao".
Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện trên nhiều tuyến phố vẫn còn nhiều trình trạng lấn chiếm vỉa hè để phục vụ việc kinh doanh như hàng ăn, cafe, trà đá vỉa hè, trông giữ xe,...
Ở các quận, huyện của TP. Hà Nội ghi nhận lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, khi cơ quan công an "vắng bóng", những vi phạm lại trở về như cũ.
Tại quận Thanh Xuân, một thành viên của đoàn kiểm tra cho biết, lực lượng chức năng trên địa bàn quận thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành của người dân còn chưa cao. Khi lực lượng triển khai kiểm tra thì chấp hành, nhưng sau đó thì "đâu lại vào đó".
Tương tự, tại khu vực Cầu Giấy, nơi được Ban chỉ đạo 197 TP. Hà Nội ghi nhận là khu vực có kết quả kiểm tra, xử lý thấp, chưa tương xứng với tình hình vi phạm trên địa bàn với chỉ 89 trường hợp bị xử lý, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn ngang nhiên tồn tại.
Anh Trịnh Văn B. là tiểu thương bán đồ ăn ở một ngõ nổi tiếng gần chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết anh thường xuyên phải di chuyển gánh hàng của mình sau mỗi đợt kiểm tra của lực lượng chức năng. "Làm nghề ở đây hơn chục năm rồi, nghỉ thì cũng chưa nghĩ ra làm gì", anh B. chia sẻ.
Theo các chuyên gia, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè vẫn sẽ kéo dài và có nhiều khó khăn, để giải quyết được vấn đề này cần có chính sách đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là phương án giải quyết việc làm cho những người từ lâu vẫn trông chờ vào công việc kinh doanh gắn liền với vỉa hè tại Hà Nội.
Cũng trong chiều 23/3, thông tin tử Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội, từ 1/3 - 15/3, các địa phương đã xử lý 5.921 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, tăng 3.123 trường hợp (tương đương 89,6% so với 15 ngày liền kề trước đó), phạt thành tiền 2,65 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là chiếm dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa. Trong đó, cưỡng chế vi phạm đối với 310 trường hợp, xử lý 35 trường hợp tái phạm.
Trước đó, Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về "Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023". Theo đó, giai đoạn 1, từ ngày 15/2 - 28/2, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Giai đoạn 2, từ 1/3 - 30/3, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm. Giai đoạn 3, từ 30/3 - 1/11 kiểm tra, duy trì trật tự trên các lĩnh vực giao thông, văn minh đô thị.