VIASEE có nhiều ý kiến đóng góp vào quy hoạch Bauxite tại Tây Nguyên vừa được Chính phủ phê duyệt
Mới đây, Chính phủ vừa quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên. Đây cũng vấn đề được VIASEE nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm thực tiễn kỹ lưỡng và có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020.
Chính phủ phê duyệt quy hoạch khai thác bauxite
Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng, các doanh doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực khai thác, chế biến. Đối với các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, Chính phủ hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác.
Chính phủ xác định rõ mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quy hoạch bauxite là khoáng sản tỉnh Đắk Nông nói riêng, một số tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm.
Chính phủ xác định từ 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bauxite phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu đến sản phẩm alumin). Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả.
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại được Chính phủ xác định phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bảo đảm về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu là bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bàn sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên.
Đối với các mỏ bauxite khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư), xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2020 VIASEE kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề khai thác và phát triển ngành công nghiệp bauxite
Trước đó, năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cũng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
VIASEE đánh giá bauxite là tài nguyên khoáng sản có quy mô trữ lượng lớn và giá trị vào loại lớn nhất hiện nay của nước ta. Ước tính quặng bauxite Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn, có khả năng tạo ra 1,7 tỷ tấn Alumin lại có thể khai thác, chế biến thuận lợi hơn vào thời điểm này. Từ thực tế triển khai hoạt động khai thác và chế biến bauxite tại hai nhà máy của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tại Lâm Đồng và Đắk Nông, VIASEE Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về khoáng sản hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm thực tiễn để đưa ra những báo cáo khoa học có giá trị, ý nghĩa vận dụng phát triển ngành khai thác bauxite.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bauxite Tây Nguyên.
“Với trữ lượng khoáng sản bauxite lớn như đã nói trên và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắk Nông; chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước”, VIASEE nhận định.
Với tiềm năng và lợi thế rất lớn từ bauxite Tây Nguyên, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. VIASEE sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.
Vấn đề đã được VIASEE nghiên cứu nhiều năm
Trong loạt bài 5 kỳ viết về tiềm năng khoáng sản Bauxite Việt Nam: "Kỳ 1: Tiềm năng khoáng sản Bauxite Việt Nam; Kỳ 2: Công nghệ sản xuất Alumin và các vấn đề cấp bách về môi trường; Kỳ 3: Giải pháp nào cho việc xử lý bùn đỏ phát sinh tại các nhà máy alumin Tây Nguyên?; Kỳ 4: Công nghệ điện phân nhôm và các vấn đề môi trường đặt ra tại Việt Nam; Kỳ 5: Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp Bauxite Tây Nguyên", VIASEE đã đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan về khoáng sản bauxite Tây Nguyên trong bối cảnh mới mang tầm nhìn thời đại, vì sự phát triển bền vững đất nước cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam đã hoàn thiện về công nghệ chế biến bauxite thành Alumin. Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam đã vận hành tốt các thiết bị công nghệ và có khả năng tự mở rộng quy mô sản xuất.
Giá bán Alumin hiện nay và trong giai đoạn tới (2020-2030) cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sẽ tạo ra lợi nhuận rất lớn. Nếu thị trường thuận lợi như hiện nay, việc khai thác và chế biến quặng Bauxite thành Alumin có thể tạo ra giá trị lợi nhuận ròng từ khoảng 200 đến 300 tỷ USD, là nguồn thu lớn cho đất nước.
Đáng chú ý, trước những lo ngại về vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến bauxite, các nhà khoa học đánh giá, việc khai thác bauxite không làm mất đất mà tận dụng lượng bùn đuôi quặng đang phải chôn lấp tại các hồ chứa đưa trở lại moong khai thác thì sẽ tạo ra đất canh tác mầu mỡ hơn, cũng không làm cạn kiệt nguồn nước.
Đặc biệt, bùn đỏ từ quá trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên (loại chất thải hiện nay đang chôn lấp) không chứa chất phóng xạ, và có chứa nhiều nguyên tố đi kèm có thể sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thép chất lượng cao.
Vấn đề này cũng đã có nhiều ý kiến tranh luận mạnh mẽ trong dư luận Việt Nam vào những năm 2008-2010, khi hai dự án sản xuất Alumin theo công nghệ Bayer do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Tân Rai, Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Gia Nghĩa, Đắk Nông được quyết định đầu tư. Đây đều là những ý kiến đầy tâm huyết, rất trách nhiệm với đất nước, thực sự đáng trân trọng bởi trong bối cảnh cách đây một thập kỷ thì thực tế có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay nên cần cân nhắc thận trọng.
Có thể nói những băn khoăn, nghi vấn, khó khăn đặt ra khi đó thì trong loạt bài viết của VIASEE cũng đã được giải tỏa, làm sáng tỏ và khả thi về tất cả các khía cạnh: Kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian qua, VIASEE cũng đã có nhiều bài nghiên cứu về, tiềm năng phát triển bauxite và mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác và chế biến bauxite ở các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Cụ thể như bài viết "Sự cấp thiết áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên". Bài viết dựa trên cơ sở đó đưa ra mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác và chế biến bauxite ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Bằng các số liệu cụ thể, từ việc khai thác và chế biến quặng bauxite của công ty Nhôm TKV - Lâm Đồng và TKV - Đắc Nông, bài viết đã đánh giá các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn cho hoạt động khai thác và chế biến bauxite tại Tây Nguyên.
Từ thực tế và kết quả hiện tại, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, thực tế trên nhiều tỉnh thành khác có tiềm năng khai thác khoáng sản để đưa ra những đánh giá nhận định một cách chính xác nhất. Từ đó giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ một căn cứ khoa học để đi tới những quyết sách cuối cùng trong sự phát triển chung của kinh tế- xã hội.