VIB huy động xong 280 triệu USD vốn nước ngoài, kinh doanh còn nhiều thách thức
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố đã hoàn tất huy động 280 triệu USD vốn nước ngoài với sự tham gia của UOB, Maybank, Mashreqbank và 10 định chế tài chính khác với kỳ hạn từ 3 - 5 năm.
Diễn biến trên nằm trong kế hoạch huy động thêm 300 triệu USD vốn nước ngoài mà VIB đã tiết lộ trong cuộc họp nhà đầu tư quý 3/2023.
Trong tháng 6/2023, VIB cũng huy động được 100 triệu USD (2,3 nghìn tỷ đồng) với kỳ hạn 5 năm từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Tính đến quý 3/2023, VIB đã huy động được khoảng 1 tỷ USD vốn nước ngoài từ IFC và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), so với tổng kế hoạch dài hạn lên tới 2 tỷ USD.
Ngoài ra, nguồn vốn huy động từ nước ngoài chiếm hơn 7% tổng vốn huy động trong quý 3/2023 của VIB. Ban lãnh đạo kỳ vọng vốn nước ngoài sẽ tăng mức đóng góp lên 10% trong dài hạn. Ngân hàng không cung cấp chi phí cho các khoản vay nước ngoài mới.
Với động thái này, kỳ vọng các khoản vay nước ngoài mới sẽ giúp nâng cao hệ số CAR của VIB và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn trên cho vay trung và dài hạn. Tính đến quý 3/2023, hệ số CAR của VIB là 11,8% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn trên cho vay trung và dài hạn là 28% (so với mức trần quy định hiện hành là 30%).
Trong báo cáo phân tích vừa công bố ngày 12/12, Chứng khoán ACBS cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh của VIB dự kiến sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng định giá hiện tại đang ở mức khá hấp dẫn và có thể được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp lịch sử.
Việc đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách huy động nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có lãi suất thấp hơn trong nước giúp cho chi phí vốn của VIB ở mức khá thấp so với các đối thủ, bất chấp việc VIB là một ngân hàng tư nhân bán lẻ có quy mô trung bình.
Điều này, cộng với việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao giúp cho VIB đạt được khả năng sinh lời vượt trội hơn các ngân hàng khác. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng cá nhân sụt giảm do thị trường bất động sản trầm lắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như lợi nhuận của VIB trong thời gian tới.
Khẩu vị rủi ro cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến nợ quá hạn của VIB tăng mạnh. Tính đến cuối Q3/2023, tỷ lệ nợ quá hạn (nợ nhóm 2 và nợ xấu) của VIB ở mức 10,13%, nằm trong nhóm cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Chất lượng tài sản suy giảm trong 9 tháng 2023 và bộ đệm dự phòng khá mỏng khiến chi phí dự phòng của VIB sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
ACBS ước tính chi phí tín dụng của VIB trong giai đoạn 2023-2025 sẽ ở quanh mức 2%, cao hơn so với mức 0,6% của năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 và 2024 của VIB kỳ vọng đạt lần lượt 11.100 tỷ đồng (+5,6% so cùng kỳ) và 11.719 tỷ đồng (+10,1% so cùng kỳ).
Mặc dù kết quả kinh doanh dự kiến sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi phải đối mặt với nhiều thách thức, ACBS cho rằng mức định giá hiện tại của cổ phiếu VIB đang khá hấp dẫn và có thể được cải thiện nhờ lãi suất đang ở mức thấp lịch sử.