VICEM 'oằn mình' trong khó khăn

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã và đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp linh hoạt của chính nội tại VICEM cũng như chỉ đạo điều hành của Bộ Xây dựng, Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), trong những tháng đầu năm 2024, ngành Xi măng vẫn chịu ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao...

Những nguyên nhân trên khiến tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,63 triệu tấn, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng đó, tổng sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm 2024 và tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tiêu thụ xi măng đạt 9,86 triệu tấn, bằng 45,6% kế hoạch năm 2024 và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước đạt 547 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.

 Tiêu thụ xi măng của VICEM sụt giảm.

Tiêu thụ xi măng của VICEM sụt giảm.

Để khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, VICEM sẽ chú trọng công tác quản lý duy tu, bảo trì thiết bị nhằm duy trì sản xuất ổn định. Đối với các đơn vị dừng lò nung phải kết hợp với bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo thiết bị ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng hoạt động ổn định, phát huy công suất khi nhu cầu tiêu thụ tăng.

Đồng thời, VICEM cũng sẽ tiếp tục thực hiện triệt để việc tiết giảm chi phí sản xuất (tiết giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, chi phí sửa chữa máy móc thiết bị, nhà cửa vật kiến trúc, chi phí mua sắm thiết bị lẻ; tìm kiếm các nguồn vật tư, thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với giá cả hợp lý, cạnh tranh; tăng khối lượng công việc sửa chữa tự làm, giảm thuê ngoài; vận hành thiết bị tránh giờ cao điểm để tiết kiệm chi phí điện năng...) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, VICEM cũng sẽ bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho để rà soát, xây dựng các kịch bản, linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất tương ứng với cơ cấu, chủng loại than sử dụng, tối ưu vận hành, tồn kho clinker để không phát sinh thêm clinker đồ ra bãi.

“VICEM tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường tiêu thụ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào để xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, trên từng địa bàn phù hợp với thực tế thị trường nhằm gia tăng sản lượng, giữ vững thị phần tiêu thụ xi măng trong nước” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, VICEM sẽ tăng cường khảo sát thực tế thị trường tiêu thụ để sớm xử lý các vấn đề phát sinh trong phối hợp thị trường; đồng thời nắm bắt nhu cầu thị trường, tình hình tiêu thụ sản phẩm (từng chủng loại sản phẩm trên từng địa bàn), giá bán, lợi nhuận của hệ thống... để có đánh giá, phân tích và đưa ra các giải pháp kịp thời, hỗ trợ các đơn vị thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, VICEM cũng sẽ bám sát biến động về nhu cầu nhập khẩu, thông tin thị trường để tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên đẩy mạnh xuất khẩu xi măng vào thị trường truyền thống Philippines, tiếp tục tìm kiếm khách hàng, giao dịch đàm phán xuất khẩu vào thị trường mới như: Australia, Mỹ, Singapore Malaysia...

Mới đây, ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023).

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo,… trong sản xuất xi măng.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, bảo đảm tính cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xi măng, Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng yêu cầu và kêu gọi các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả thực hiện các công việc, không đùn đẩy, không né tránh, tập trung triển khai các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giải quyết các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị để xử lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong năm 2024 và để phát triển ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vicem-oan-minh-trong-kho-khan-153363.html