Video dạy gian lận thi cử tràn lan trên TikTok

Không chỉ gian lận theo kiểu 'truyền thống' như viết phao, TikToker còn dạy người xem mẹo để gian lận khi thi online trên Azota hoặc Google Form.

 Người dùng dễ dàng tìm kiếm nội dung dạy gian lận trên TikTok. Ảnh: Thái An.

Người dùng dễ dàng tìm kiếm nội dung dạy gian lận trên TikTok. Ảnh: Thái An.

Những ngày gần kỳ thi học kỳ, trang TikTok của Phương Linh (học sinh lớp 10) đột nhiên xuất hiện một số video chỉ cách làm phao thi hoặc gian lận trong giờ thi. Nữ sinh đã bấm vào mục “không quan tâm” nhưng đến hôm sau, video tương tự vẫn xuất hiện.

“Em dùng TikTok để xem video của thần tượng và chó, mèo, không bao giờ tìm kiếm nội dung học tập trên đó. Em cũng không hiểu vì sao mấy nội dung dạy gian lận lại xuất hiện”, nữ sinh chia sẻ.

Cả triệu lượt xem video dạy gian lận

Khi mới gõ từ khóa “cách gian lận” trên thanh tìm kiếm, TikTok đã gợi ý cho người dùng loạt từ khóa liên quan, bao gồm: Cách gian lận trong kỳ thi, cách gian lận khi thi online, cách gian lận bằng Azota, cách gian lận khi đi thi…

Bấm vào các từ khóa tương ứng, người dùng sẽ nhận được đủ loại nội dung dạy gian lận, từ kiểu "truyền thống" như viết phao nhét vào bút, nhét vào cục tẩy, cho đến kiểu gian lận “hiện đại” hơn như dùng đồng hồ thông minh, sửa code để lấy đáp án trên Azota, Google Form. Những video như vậy đều có lượt xem khá cao, từ hàng trăm nghìn cho đến gần 3 triệu lượt xem.

 Video dạy gian lận thi cử thu hút hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem.

Video dạy gian lận thi cử thu hút hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem.

Video dạy gian lận có lượt xem cao nhất trong số những video Zing tìm thấy trên TikTok là của TikToker @heluhine. Video này đã được đăng từ ngày 30/12/2021 (khi học sinh cả nước vẫn đang học online) và thu về hơn 2,7 triệu lượt xem.

"Nếu bạn đang có ý định gian lận trên ứng dụng thi trực tuyến Azota, đây chính là video dành cho bạn", chủ video giới thiệu. Trong video, TikToker này dạy học sinh cách vừa làm bài thi vừa thoát khỏi màn hình để tra đáp án mà không bị phát hiện. Sau đó, cô vẫn nhắc học sinh không nên chủ quan và vẫn nên học bài.

Trong phần bình luận, nhiều học sinh năn nỉ TikToker này làm thêm video hướng dẫn cách “hack” đáp án khi thi trên các nền tảng khác như vnEdu, Google Form…

“Em đố chị hack nổi vnEdu hoặc có cách xem đáp án vnEdu, chị mà làm được em kêu cả lớp follow cho chị, em hứa đó”, một người bình luận.

Một tài khoản TikTok khác lại chỉ cho học sinh cách gian lận theo kiểu “truyền thống”. Dù chỉ là những phương pháp gian lận thủ công, quen thuộc, video này vẫn thu về hơn 2,3 triệu lượt xem.

Trong video với tiêu đề “Những cách lật bùa dễ dàng mà không sợ bị phát hiện”, tài khoản @_htrzam.09 dạy người xem viết phao thi lên giấy, dùng băng keo hai mặt rồi dán vào nắp máy tính cầm tay hoặc viết tài liệu lên một mẩu giấy nhỏ rồi cho vào bên trong ruột bút.

Cách số 3 được người này đánh giá là “hiệu quả và dễ làm”, học sinh chỉ cần dán tài liệu lên một cây bút xóa rồi mang vào phòng thi, úp phần phao thi xuống để tránh giám thị phát hiện. Khi cần, học sinh chỉ cần lật phao lên xem.

Khi xem video, một người bình luận rằng những cách này rất dễ lộ, một người khác trả lời rằng cô đã từng áp dụng và thành công. Thậm chí, một người còn khoe rằng người này từng cho điện thoại vào nắp máy tính cầm tay để mang vào phòng thi học kỳ 2 lớp 12. Kết quả, người này đạt 8,5 điểm Sinh học, 8,8 điểm Vật lý và 8,5 điểm Hóa học.

Trong phần bình luận của các video dạy gian lận, người xem cũng chỉ ra một số mẹo để không bị giám thị phát hiện.

Trong phần bình luận của các video dạy gian lận, người xem cũng chỉ ra một số mẹo để không bị giám thị phát hiện.

Với mẹo “hack” đáp án bằng Google Form, TikToker @heaven.dna lại chỉ học sinh đổi phần cuối của đường link từ “viewform” thành “viewanalytics”, như vậy toàn bộ đáp án trong đề thi trắc nghiệm trên Google Form sẽ hiện ra.

Cuối video, TikToker này còn không quên nhắc người xem “nhớ chia sẻ cho bạn bè xem nữa nhé”.

Ngoài những video trên, TikToker còn chỉ người xem lên các trang thương mại điện tử để mua đồng hồ thông minh, hoặc dùng dây thun để cố định phao thi trong ống tay áo. Khi cần dùng đến phao, học sinh chỉ cần kéo ra, sau đó thả lại vào ống tay áo thì sẽ không bị phát hiện.

Mẹo gian lận có vẻ tinh vi nhưng không hiệu quả

Nói về những video chỉ cách gian lận trong phòng thi, Phương Linh nói rằng em không biết những mẹo gian lận trực tuyến có hiệu quả hay không, nhưng các mẹo gian lận “truyền thống” em từng thấy rất nhiều. Hầu như mỗi lần thi học kỳ, phòng thi của Linh lại có vài học sinh giấu phao thi trong máy tính, bút viết hoặc giấu trong quần áo nhưng đều bị phát hiện và bị phạt trừ điểm hoặc đình chỉ thi.

Hiểu rõ hậu quả của việc gian lận thi cử nên Linh chỉ tập trung học, không dám nghĩ đến chuyện mang phao vào phòng thi. Nữ sinh luôn có một quan niệm là thà điểm thấp nhưng đúng với học lực còn hơn điểm cao nhưng phải hổ thẹn với lòng mình.

“Còn non lắm” là cách cô Trần Tú, giảng viên đại học tại TP.HCM, nói về các mẹo gian lận mà TikToker đưa ra. Từng là học sinh, hiện là giảng viên thường được phân công coi thi cuối kỳ ở trường đại học hoặc coi thi tại các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM nên cô Tú biết rõ những “chiêu” gian lận học sinh, sinh viên thường làm.

Cô Tú khẳng định học sinh, sinh viên làm gì, giám thị gần như biết hết. Thậm chí, nhiều lúc học sinh thì thầm, liếc bài bài nhau một cách kín đáo, giám thị vẫn nghe thấy và nhìn thấy rõ ràng.

Nói về chiêu gian lận bằng đồng hồ thông minh, cô Tú nói chiêu này có thể khó phát hiện hơn kiểu gian lận "truyền thống", nhưng thông thường, dụng cụ này sẽ bị cấm ngay từ đầu, thí sinh không được mang vào phòng thi. Cô Tú từng chứng kiến một trường hợp gian lận bằng đồng hồ thông minh, bị giám thị hành lang bắt được và đình chỉ thi.

Còn đối với chiêu thức gian lận online qua Azota hoặc Google Form, cô Tú đánh giá những chiêu này khó bắt hơn và học sinh đều có cách gian lận tương ứng cho mọi nền tảng thi trực tuyến.

Cô Tú từng cho sinh viên làm bài tập qua Google Form và phát hiện nền tảng này có cách gian lận nên cô đã loại bỏ hoàn toàn, không còn áp dụng. Trường cô Tú công tác cũng không cho sinh viên thi bằng Google Form nên chiêu trò TikToker chỉ sẽ không có tác dụng.

Hiện nay, để đề phòng tình trạng thí sinh gian lận thi online, trường của cô Tú cho sinh viên làm bài thi trên hệ thống LMS của trường. Hệ thống này có công cụ chống gian lận và có thể bắt những trường hợp gian lận khi làm bài thi.

Cô Tú cho rằng những video dạy gian lận trên TikTok không ảnh hưởng đến kết quả thi nhưng sự “viral” của những video này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thái độ học tập của học sinh, đồng thời tạo thành tâm lý thích gian lận, ỷ lại, không chủ động học tập. Thay vì học tập nghiêm chỉnh để có ích cho bản thân, nhiều học sinh lại gian lận một cách tuyệt vọng, sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng, chỉ để kiếm thêm vài điểm.

“Học sinh cần nhớ rằng khi giáo viên biết đến những trò gian lận, họ sẽ càng có động lực để thiết kế những đề thi khó hơn, thậm chí là những kiểu đề dù có tài liệu cũng không biết cách làm”, cô Tú nói thêm.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/video-day-gian-lan-thi-cu-tran-lan-tren-tiktok-post1420058.html