Video hé lộ tính năng đặc biệt của chiến đấu cơ 'cụt đuôi' J-36 Trung Quốc
Chiến đấu cơ tàng hình J-36 tiếp tục được Trung Quốc thử nghiệm, cho thấy đây là một dự án nghiêm túc của họ.


Điển hình như thông tin về buồng lái hai chỗ ngồi với phi công chính và hoa tiêu được bố trí ngồi cạnh nhau tương tự máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga đã được xác nhận.

Như thông tin được đăng tải trước đó, J-36 sử dụng 3 động cơ với vòi phun phẳng.

Có một cửa hút gió ở phần trên của thân máy bay và hai cửa nữa nằm dưới cánh - lần lượt ở bên trái và bên phải, đây là điều cần thiết nhằm cung cấp không khí cho buồng đốt của 3 động cơ.

Chiếc J-36 được chế tạo không có cánh đuôi, giúp giảm lực cản khí động học và khiến cho máy bay bay hiệu quả hơn trên những quãng đường dài với tốc độ ổn định, kể cả ở chế độ siêu thanh.

Ngoài ra thiết kế này còn làm tăng đáng kể thể tích bên trong thân máy bay, có thể được sử dụng để chứa các thùng nhiên liệu, hệ thống bổ sung hoặc tăng tải trọng chiến đấu.

Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm, không cánh đuôi lại ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cơ động của chiến đấu cơ, cụ thể là đối với động tác nâng độ cao.

Do vậy các kỹ sư sẽ phải triển khai hệ thống điều khiển kỹ thuật số và trang bị cho động cơ khả năng điều hướng vector lực đẩy.

Ngoài ra phía sau hai cánh là các bộ phận có khả năng cơ động cả theo chiều dọc và chiều ngang, có thể thấy chúng ngả về sau khi máy bay hạ cánh và đứng thẳng trong khi bay.

Cơ chế cơ giới hóa của cánh J-36 được nhận xét là rất tiên tiến, với tổng cộng khoảng 10 bề mặt điều khiển, đi kèm buồng lái có kết cấu phẳng, biểu thị tốc độ bay siêu thanh ở mức cao.

Ở phần dưới của thân máy bay còn có một khoang lớn ở giữa để chứa vũ khí bao gồm tên lửa và bom dẫn đường, nhiều khả năng còn có những khoang phụ nhỏ hơn ở hai bên.

Xét đến những yếu tố này, có thể cho rằng J-36 là máy bay ném bom tàng hình mang tên lửa tầm xa, với khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương ở tốc độ siêu thanh, và tấn công cả mục tiêu trên mặt đất cũng như trên mặt nước.

Theo các chuyên gia, máy bay có khả năng đạt tốc độ lên tới 2.900 km/h và trần bay thực tế của chiếc tiêm kích này đạt tới 20 - 21 nghìn mét. Tải trọng chiến đấu tối đa của J-36 ước tính ở mức 10 - 13 tấn.

Có nhận định cho rằng theo cách đặt tên thì J-36 sẽ tiếp nối vai trò của J-16 là máy bay chiến đấu đa năng có khả năng tấn công mạnh. Chiến đấu cơ này trang bị 3 động cơ WS-10C hoặc WS-15 nên lực đẩy tối đa lên đến 42 - 47 tấn.

Trong 10 năm tới, Trung Quốc chưa thể chế tạo động cơ phản lực có đốt sau lực đẩy trên 20 tấn để dùng cấu hình 2 động cơ, cho nên chiếc J-36 phải mang 3 động cơ để tạo lực đẩy mạnh giúp đạt vận tốc siêu âm Mach 2 khi chiếc tiêm kích có trọng lượng khoảng 50 tấn.

Chiếc J-36 có thể mang tên lửa không đối không PL-10/12/15/17 và các dòng tên lửa hành trình, đạn đạo, bom dẫn đường trong thân.

Thiết kế khung thân lớn mang lại tầm bay xa, mục tiêu của J-36 là tiến ra chuỗi đảo thứ 2 để đánh chặn, tấn công, hỗ trợ biên đội phòng không hải quân trên tàu sân bay với tiêm kích J-35.

Do hàng không hải quân luôn yếu hơn đối phương cho nên Không quân Trung Quốc phải có năng lực tăng cường với khả năng bay cực xa từ bờ ra tận đảo Guam để giành quyền thống trị trên bầu trời Tây Thái Bình Dương.