Video hiếm có: Rắn sọc sinh 11 con non

Trung tâm Động vật hoang dã Bắc Colorado đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh tượng hiếm thấy một con rắn sọc sinh 11 con non.

Video rắn sọc sinh 11 con non

Con rắn mẹ trong video được một gia đình ở Fort Collins tìm thấy với những vết rách trên mặt và cổ, có thể là thương tích từ máy cắt cỏ. Sau đó họ đã gửi con vật cho Trung tâm Động vật hoang dã Bắc Colorado, một vườn thú phục hồi chức năng.

“Những vết thương của con rắn đang dần hồi phục. Nó và bầy con non sẽ được trả tự do sau vài tuần nữa”, Trung tâm Động vật hoang dã Bắc Colorado cho biết trong một bình luận dưới video.

Theo các nhà khoa học, tất cả các loài rắn sinh sản thông qua thụ tinh bên trong, nghĩa là tinh trùng của con đực được đưa vào bên trong đường sinh sản của con cái, nơi chúng hợp nhất để tạo thành phôi thai. Trong khi phần lớn các loài rắn đều đẻ những bọc trứng lớn, một số loài được biết đến với việc sinh con.

Các loài rắn đẻ trứng sẽ phát triển trứng bên trong cơ thể. Theo đó, chúng sẽ từ từ phủ một lớp canxi lên phôi và túi noãn hoàng chứa đầy chất dinh dưỡng. Sau khi đẻ trứng, rắn mẹ sẽ rời bỏ tổ và gần như không quan tâm đến con của mình. Tuy nhiên, một số loài cẩn thận hơn sẽ dùng cơ thể ấp trứng.

Trong khi đó, loài rắn đẻ con không phát triển vỏ trứng mà nuôi con bên trong bằng nhau thai và dinh dưỡng từ túi noãn hoàng. Tuy nhiên, khó có thể phân biệt được loài rắn đẻ con với rắn đẻ trứng thai, tức là rắn mang thai bằng trứng nhưng con non nở trong bụng trước khi rời cơ thể mẹ. Trong cả hai trường hợp, con non sinh ra chỉ được bọc trong một túi phôi.

Việc sinh con là một đặc điểm hiếm gặp ở các loài bò sát. Theo ước tính của National Geographic, chỉ có khoảng 15-20% trong tổng số khoảng 9.000 loài rắn và thằn lằn là sinh con. Người ta cho rằng những con rắn sinh con có liên quan đến các loài cư trú trong môi trường lạnh hơn, nơi nhiệt độ quá thấp để trứng tồn tại bên ngoài cơ thể mẹ.

Rắn sọc rất phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ

Rắn sọc rất phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ

Rắn sọc, còn được gọi là rắn nịt tất, rất phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ. Chúng phân bố rộng do chế độ ăn đa dạng và khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường sống khác nhau. Đây là loài rắn không có nọc độc và vô hại với con người.

Rắn sọc có tập quán ngủ đông kỳ lạ. Vào mùa đông lạnh, chúng thường tụ tập trong hang dưới lòng đất với số lượng từ 20.000-30.000 con. Vào mùa xuân khi con đực vừa trú đông xong, sức khỏe còn yếu và cơ thể bị lạnh, nó sẽ tiết ra phernomone làm cho nó có mùi giống như một con rắn cái để thu hút các con đực khác quấn lại. Bằng cách này, cơ thể rắn có thể được làm ấm tới 28 độ C để hoạt động bình thường trong vòng 3 giờ.

Việc tiết ra kích thích tố giả làm rắn cái của rắn sọc đực để thu hút sự tán tỉnh, quan hệ của đại đa số rắn đực khác chỉ kéo dài một vài ngày. Khi vừa ngủ đông dậy, rắn đực rất yếu và chậm chạp, vì thế việc chuyển giới có thể giúp chúng tránh được các nguy hiểm từ những loài săn mồi khác như quạ. Bên cạnh tập tính giả gái, loài rắn sọc còn giao phối theo kiểu tập thể, nghĩa là rất nhiều con đực quấn xung quanh một con cái tạo thành “quả bóng” giao phối.

Long Hải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/video-hiem-co-ran-soc-sinh-11-con-non-185456.html