Video ngắn tác động đến các cuốn sách như thế nào?
Hình thức video ngắn ra đời có thể tạo nên ảnh hưởng đáng kể đối với các cuốn sách, tuy nhiên, xét trên phương diện thị trường, nhiều cơ hội mới được để ngỏ.
Short video trên TikTok, Reels trên Facebook… là những hình thức truyền tải đa phương tiện bùng nổ trong thời gian gần đây. Nhiều nội dung review sách tận dụng loại hình này để dễ dàng lan tỏa tới bạn đọc hơn. Ở chiều ngược lại, chúng có thể tác động đến việc giới thiệu một cuốn sách như thế nào và hành vi đọc nói chung ra sao.
Video ngắn đang khiến một cuốn sách trở nên đơn giản
Ngay khi hình thức short video và reel bùng nổ, việc tóm tắt sách cũng trở nên phổ biến. Một cuốn sách dài 300 trang nhưng chúng có thể được những người sáng tạo nội dung tóm gọn lại trong khoảng 5-7 phút hoặc thậm chí 2-3 phút. Điều này phản ánh phần nào xu hướng tiêu thụ nội dung nhanh đến từ thói quen cuộn vô hạn sinh ra ở người dùng mạng xã hội thời gian dài.
Trong bối cảnh xu hướng này ngày càng phát triển, một số BookToker đã "rút gọn" các cuốn sách bằng việc sử dụng những chi tiết nhạy cảm để thu hút độc giả xem video của mình. Từ đó làn sóng sách cay (spicy book) ra đời. Tại đây, các cuốn sách có nội dung nhạy cảm 18+, yếu tố tình dục được giới thiệu và nhấn mạnh. Nối tiếp với spicy book là làn sóng sách lãng mạn nhiều cảnh tình dục (smut book) rộ lên, chúng thậm chí còn đem lại cảm giác mạnh hơn so với spicy book.
Với thực trạng trên, độc giả hoàn toàn có thể tự gắn mác cho một cuốn sách là dâm thư và tìm đến sách như một văn hóa phẩm đồi trụy. Trong khi tình dục chỉ là một trong nhiều vấn đề cuốn sách đề cập tới. Nó vô tình trở thành bộ mặt của cuốn sách khi BookToker đưa chúng lên mạng xã hội.
Có thể thấy, hình thức video ngắn có thể khiến diện mạo của các cuốn sách bị sai lệch. Mục đích của việc này là đem lại cảm giác hồi hộp nhanh cho người xem từ đó họ sẽ có hứng thú lướt tiếp nội dung sau và đi vào thế giới cuộn không ngừng.
Năm 2023, một nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi đồng Cleveland (Mỹ) cho thấy khi những người trẻ tuổi thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự tập trung lâu dài như đọc sách, họ sử dụng "sự chú ý có định hướng", một chức năng bắt đầu ở vỏ não trước trán, phần não chịu trách nhiệm đưa ra quyết định và kiểm soát xung lực.
“Sự chú ý có định hướng là khả năng ngăn chặn sự phân tâm, duy trì sự chú ý và chuyển sự chú ý một cách thích hợp. Nó đòi hỏi những kỹ năng bậc cao hơn như lập kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Nếu người trẻ, đặc biệt là trẻ em tiếp nhận nhiều nội dung trong một thời gian ngắn, chúng sẽ dần trở nên khó thích nghi với các hoạt động phi kỹ thuật số, trong đó có việc đọc sách”, Michael Manos, giám đốc lâm sàng của Trung tâm nghiên cứu Khả năng chú ý và học tập tại Bệnh viện Nhi đồng Cleveland, chia sẻ.
Gloria Mark, tác giả cuốn Attention Span, cho rằng những người trẻ tuổi hiện nay đang đối mặt với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông số. Chúng có thể đem lại sự kết nối không tưởng. Nhưng đồng thời, điều này khiến thế hệ Z hay Alpha sinh ra những nét tâm lý khó đoán. Đặc biệt, khi tiếp nhận nội dung ngắn, nhanh, họ cảm thấy hài lòng ngay lập tức vì đã tìm được thông điệp. Nhưng các nội dung sâu như sách hay nghiên cứu lại khiến họ nản lòng thì khó tìm ngay được cảm xúc hài lòng.
Dòng sách nào tận dụng được video ngắn
Dù vậy, các video ngắn không chỉ đem tới những ý nghĩa tiêu cực, đối với một số dòng sách, hình thức này có thể được tận dụng để lan tỏa các thông điệp giá trị trong sách tới với công chúng. Thông qua nền tảng short video như TikTok, nhà xuất bản, công ty phát hành có thể nhìn nhận và đánh giá một số xu hướng hiện hành.
Theo khảo sát mới đây của Znews, sách chủ đề tôn giáo - tâm linh - tinh thần, sách kỹ năng kinh doanh và sách tự lực là những dòng sách được ưa chuộng trên nền tảng TikTok. Với một nền tảng tập trung vào nội dung ngắn, không gian của TikTok phù hợp để giới thiệu các cuốn sách kỹ năng. Dòng ấn phẩm này không đòi hỏi quá trình tưởng tượng và tái tạo lại văn cảnh một cách phức tạp như với tiểu thuyết, truyện ngắn…
Bên cạnh đó, dòng sách giáo dục cũng nhận được nhiều sự quan tâm trên nền tảng này, đặc biệt là các cuốn sách tham khảo cho sinh viên, học sinh cấp 3, sách luyện thi ngoại ngữ, hướng dẫn tự học cách môn… Sản phẩm trên nền tảng này cho thấy rõ lượng khách hàng có thể dao động trong khoảng từ 16 cho đến 24. Đây cũng được đánh giá là thế hệ được dự báo sẽ có nhu cầu tiêu dùng, mua sắm trực tuyến lớn. Vậy các nhà xuất bản có thể tận dụng điều này ra sao.
Theo PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh (Phó trưởng Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng) cho rằng các xu hướng sản phẩm số nên phát triển theo hướng khai thác một số đặc trưng cụ thể gắn với việc tiêu thụ của gen Z.
Sản phẩm cần có tuyên bố rõ ràng và có tính năng đáp ứng sự quan tâm của Gen Z tới sức khỏe, xã hội và môi trường. “Gen Z đang thúc đẩy một thị trường bền vững và thân thiện với môi trường và sức khỏe.
Thế hệ trẻ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm có thể tái tạo thân thiện với môi trường. Theo Khảo sát của Deloitte Global 2021 Millennials và Gen Z, 52% đã quyên góp cho các tổ chức từ thiện trong hai năm qua. Những cách phổ biến khác mà họ đã thực hiện để thúc đẩy sự thay đổi mà họ muốn thấy trên thế giới bao gồm gây quỹ từ thiện bằng cách tài trợ (36%) và bằng phương thức tình nguyện (40%)”, PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh nhận định.
Với nhận định trên, để lan tỏa giá trị cuốn sách, nhà xuất bản có thể gắn việc phát hành với những chiến dịch truyền thông về môi trường, xã hội. Cùng những dòng sách “hot TikTok” như tâm linh, kỹ năng kinh doanh, đơn vị làm sách tập trung hơn vào dòng tác phẩm nghiên cứu sức khỏe tinh thần, thể chất. Đây cũng là một trong những xu hướng được nhiều công ty sách nhận định từ năm 2023.
Nguồn Znews: https://znews.vn/short-video-tac-dong-den-cac-cuon-sach-nhu-nao-post1478311.html