Việc 'bắt sóng' đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết

Chuyên gia chứng khoán cho rằng trong bối cảnh vĩ mô nhiều biến số, thị trường hiện tại không dành cho sự nôn nóng hay kỳ vọng hồi phục đồng loạt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch giằng co. Sau nhịp hồi phục lên vùng kháng cự quanh 1.240 điểm vào đầu tuần, VN-Index đối mặt áp lực điều chỉnh trở lại với sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.

Tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể. Dù có nỗ lực bứt phá trong phiên cuối tuần nhưng VN-Index không thể duy trì đà hưng phấn đến hết phiên.

Kết tuần, chỉ số VN-Index chốt tuần tại mức 1.219,1 điểm, giảm hơn 3 điểm, tương đương 0,27% so với tuần trước.

Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng 5.170 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.722 tỷ đồng trên sàn HoSE, mua ròng 253 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 194 tỷ đồng trên UPCoM.

Tâm điểm bán ròng ghi nhận tại cổ phiếu VIC với giá trị 4.394 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hai mã HCM và FPT cũng bị bán ròng lần lượt 371 tỷ đồng và 339 tỷ đồng. Chiều ngược lại, cổ phiếu thép HPG bất ngờ được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 535 tỷ đồng.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 phiên gần đây (Nguồn: TradingView).

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 phiên gần đây (Nguồn: TradingView).

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect đánh giá, việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1.240 điểm là lành mạnh để hấp thụ một phần lượng hàng bắt đáy giá rẻ. Thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200 -1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua.

Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng "định giá rẻ", những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu.

Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường. Với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, chuyên gia VNDirect dự báo ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý I năm nay.

Cùng với đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng - bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ.

Các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.

Về chiến lược giao dịch, ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để cơ cấu lại danh mục đầu tư, xem xét gia tỉ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm.

Tuy vậy, việc sử dụng đòn bẩy vẫn chưa được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu và thị trường chưa xác lập lại xu hướng tăng bền vững.

Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc điều hành CTCK DSC Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh

Thị trường hiện tại không dành cho sự nôn nóng hay kỳ vọng hồi phục đồng loạt. Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư cần duy trì lượng tiền mặt nhất định, nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn và siết chặt kỷ luật quản trị danh mục.

Còn ông Bùi Văn Huy - Giám đốc điều hành CTCK DSC Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh lại cho rằng con số báo cáo tài chính chưa phản ánh rủi ro và sự thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, quý I/2025 cũng không phải là một quý để thị trường kỳ vọng bùng nổ lợi nhuận, mà là giai đoạn bản lề để nhận diện rõ hơn đâu là những doanh nghiệp thực sự có sức bật trong môi trường kinh tế đang chuyển pha.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý I nhiều khả năng sẽ cho thấy sự phục hồi tích cực ở một số ngành chủ đạo, nhưng đồng thời phản ánh mức độ phân hóa ngày càng rõ nét trong nội tại thị trường.

Các nhóm như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, thép và đầu tư công được kỳ vọng có kết quả sáng hơn mặt bằng chung, trong khi những ngành gắn với tiêu dùng nội địa và xuất khẩu truyền thống như dệt may, thủy sản, gỗ vẫn chịu áp lực kéo dài từ cầu yếu và chi phí đầu vào.

Điểm đáng lưu ý là thị trường hiện nay đang đối mặt với một "khoảng trống tăng trưởng" - khi bối cảnh thị trường toàn cầu khó đoán, đầu ra chưa thực sự phục hồi, chi phí đầu vào chưa giảm tương xứng và mức độ hấp thụ tín dụng vẫn còn dè dặt.

Ông Huy cho rằng nhà đầu tư cần thay đổi góc nhìn, thay vì kỳ vọng vào các câu chuyện hồi phục ngắn hạn thì nên chọn lọc các doanh nghiệp có mô hình bền vững, ít lệ thuộc vào FDI hoặc xuất khẩu, và có khả năng giữ biên lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn.

Nếu một lần nữa VN-Index thủng ngưỡng 1.200 điểm, theo chuyên gia đương nhiên những đợt bán tháo sẽ tái diễn. Hiện tại, vẫn ưu tiên cơ cấu danh mục, quản trị rủi ro hơn là đi tìm kiếm lợi nhuận; giữ một lượng tiền mặt tương đối để có thể ứng phó trong mọi tình huống.

Thị trường hiện tại không dành cho sự nôn nóng hay kỳ vọng hồi phục đồng loạt. Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư cần duy trì lượng tiền mặt nhất định, nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn và siết chặt kỷ luật quản trị danh mục.

Với bối cảnh vĩ mô nhiều biến số thì việc "bắt sóng thị trường" đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viec-bat-song-dang-tro-nen-kho-doan-hon-bao-gio-het-204250420160621899.htm