Hưng Yên giảm 71,9% số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên, sau sắp xếp, tỉnh còn 39 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 6 phường, 33 xã. Với phương án này, Hưng Yên giảm 71,9% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện tại.
Tỉnh Hưng Yên hiện có 139 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 13 phường, 8 thị trấn và 118 xã.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thống nhất cao tại hội nghị lần thứ 37, ngày 20/4, sau khi sắp xếp, Hưng Yên còn 39 đơn vị hành chính cấp xã cấp xã, gồm: 6 phường, 33 xã, giảm 100 đơn vị hành chính cấp xã cấp xã (7 phường, 8 thị trấn và 85 xã). Giảm 71,9% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện tại của tỉnh.
Các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp của tỉnh Hưng Yên đều sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính trở lên.

Sau sắp xếp, tỉnh Hưng Yên còn 39 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đề án, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến hình thành sau sắp xếp tại Thành phố Hưng Yên: 3 phường, 1 xã; Huyện Tiên Lữ: 3 xã; Huyện Phù Cừ: 4 xã; Huyện Kim Động: 4 xã; Huyện Ân Thi: 5 xã; Huyện Khoái Châu: 5 xã; Huyện Yên Mỹ: 4 xã; Thị xã Mỹ Hào: 3 phường; Huyện Văn Lâm: 3 xã; Huyện Văn Giang: 4 xã.
Có 3 đơn vị hành chính mới hình thành trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 2 huyện khác nhau, gồm: xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (nhập thêm xã Bình Minh, huyện Khoái Châu); xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ (nhập thêm xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu); xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên (nhập thêm xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ).
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên có diện tích tự nhiên 2.514,81 km2 (đạt 71,86%), quy mô dân số 3.567.943 người (đạt 255%), dự kiến có 104 đơn vị hành chính cấp xã.
Trước khi sáp nhập, GRDP tỉnh Hưng Yên năm 2024 đạt 159,84 nghìn tỷ đồng. Còn tỉnh Thái Bình, có quy mô kinh tế đạt trên 132,7 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 23 địa phương trong cả nước, thứ 8/11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (xếp ngay sau tỉnh Hưng Yên).
Cả hai địa phương đều có nét tương đồng về kinh tế, văn hóa, điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Việc hợp nhất giữa hai địa phương sẽ mở ra cơ hội tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả ngân sách, đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế hiện đại.
Trước đó, ngày 18/4, tại Trụ sở Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã làm việc, triển khai một số nội dung về đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình theo chủ trương của Trung ương.