Việc bổ cập nước hồ Tây sẽ pha loãng nước thải đổ về hạ lưu

Theo quy luật dòng chảy, việc bổ cập nước góp phần pha loãng nước thải; Hà Nội vẫn còn 16 điểm úng ngập trong mùa mưa… là một trong những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 13-8.

Còn 3 “điểm đen” về úng ngập

Theo báo cáo của ông Hoàng Cao Thắng, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2017 Hà Nội xóa bỏ được 2 điểm úng ngập tồn tại nhiều năm. Năm 2018 tiếp tục xóa được 2/16 điểm tại đường Giải phóng, đoạn bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính.

Trước câu hỏi của báo chí về việc vì sao tiến độ xóa bỏ các điểm úng ngập chậm, PGĐ Sở Xây dựng cho biết: Quy hoạch thoát nước Hà Nội được quy hoạch từ năm 2013, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã cơ bản giải quyết được những trận mưa cường độ nhỏ ở khu vực nội thành. Nếu mưa lớn vượt quá hệ thống thiết kế của hệ thống thoát nước thì xảy ra úng ngập.

Nguyên nhân khiến tình trạng úng ngập kéo dài do tình trạng đô thị hóa, các khu đô thị mới phát triển, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo đồng bộ nên xuất hiện một số điểm úng ngập cục bộ khác.

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Tiến Hùng cho rằng nguyên nhân khiến chậm giải tỏa được các điểm ngập ứng ở nội thành do một số điểm úng ngập nằm trong chương trình dự án kéo dài như: Đường vành đai 1 Trường Chinh; vành đai 3 là đường Phạm Văn Đồng; đường Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt thuộc dự án nhà ga…

“Chúng tôi thống kê lại thì thấy hiện nay Hà Nội còn 3 điểm đen úng ngập gồm: Ngã 5 Đường Thành; Cao Bá quát-Phan bội Châu-Lý Thường Kiệt; Nguyễn Khuyến. Năm 2018 chúng tôi đề xuất với TP dùng bể nước ngầm tại điểm đen đã trình TP, TP giao UBND quận Đống Đa phối hợp triển khai thực hiện”, ông Võ Tiến Hùng nói.

Đối với một số điểm úng ngập kéo dài như Đại lộ Thăng Long, Hoa Lâm, ông Võ Tiến Hùng lý giải: Nguyên nhân úng ngập do tại phía Tây (đại lộ Thăng Long) hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Đà mà sông Đà lại phụ thuộc vào nước sông Nhuệ. Hiện nay với công suất bơm Yên Nghĩa chưa đủ, còn trạm bơm Yên Sở vẫn phải gánh một phần nên chỉ đợi nước sông Nhuệ rút thì mới hạ nước ở Đại lộ Thăng Long được. Còn ở Hoa Lâm chảy qua sông Cầu Bây hạ thấp thì nước ở Long Biên mới rút được.

Theo dự báo, với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2 giờ trong năm 2019, các tuyến phố chính của TP vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập. Ngoài ra, các điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: Một số ngõ, ngách khu dân cư tại 12 quận nội thành, các tuyến đường ngoài khu đô thị như: QL 1A, QL 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn); QL 32, QL 21B, trên đường gom Đại lộ Thăng Long (hầm chui ngã ba Thiên đường Bảo Sơn – Vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh khác tại km8 + 350, km 9 + 800, km10 + 56, km10 + 325, km11…).

 Ông Hoàng Cao Thắng, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban chiều 13-8. Ảnh: V.H

Ông Hoàng Cao Thắng, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban chiều 13-8. Ảnh: V.H

Việc bổ cập nước cho hồ Tây là cần thiết

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Hà Nội bổ cập nước vào hồ Tây và xả thải qua sông Tô Lịch, về phía hạ lưu sẽ gây ô nhiễm cho một số tỉnh ở vùng thấp, ông Võ Tiến Hùng, TGĐ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Hà Nội đang triển khai tách nước thải không để vào sông Tô Lịch nữa mà đưa vào trạm nước thải Yên Xá 270.000m3/ngày đêm. Hiện nay đang triển khai chứ không phải nằm trên giấy tờ, dự kiến 4 năm nữa xong phương án tách nước thải.

“Còn vì sao phải bơm nước vào hồ Tây thì mùa khô hồ Tây cạn kiệt không có nước nào khác ngoài nước mưa. Mực nước thấp gây ô nhiễm nên việc bổ cập nước sông Hồng cho Hồ Tây là cần thiết. Chúng tôi đã hội thảo với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đều đánh giá cao vì để cải tạo bền vững hồ Tây và sông Tô Lịch cần có nguồn nước ra/vào, sông phải có dòng chảy. Nguồn cung cấp nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch dồi dào, dễ xử lý nhất là sông Hồng”, ông Võ Tiến Hùng khẳng định.

Theo TGĐ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trước đó có dự án trong quy hoạch là đưa nước ở sông Nhuệ về nhưng nước sông Nhuệ chỉ đưa vào thương lưu sông Tô Lịch thôi không giải quyết được cho hồ Tây nên phương án này giải quyết được cho cả hồ Tây lẫn sông Tô Lịch.

Việc xả thải hiện nay không bổ cập nước vào hồ Tây thì nước thải vẫn chảy về hạ lưu. TP Hà Nội đã làm việc với các tỉnh là đóng cửa lại để hạn chế tối đa nước thải chảy vào sông Nhuệ đưa xuống Hà Nam. Hiện nay đang mùa mưa đều phải đóng bể bơm để không cho nước thải gây ô nhiễm xuống khu vực hạ lưu các tỉnh dưới Hà Nội. Việc bổ cập nước đương nhiên nước thải sẽ được pha loãng, cùng với việc vào mùa mưa trước khi mưa phải khởi động thì nước thải xuống sẽ đỡ hơn nước thải khô được pha loãng.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viec-bo-cap-nuoc-ho-tay-se-pha-loang-nuoc-thai-do-ve-ha-luu-158934.html