Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - GS, TS. Đoàn Xuân Tiên cho hay, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay.
Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng nay (22/9), GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, mặc dù chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm 2020 là 159 nghìn tỷ đồng, đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, vốn trong nước là 145 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài 7,061 nghìn tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 7,065 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.
Những hệ lụy đối với nền kinh tế được Phó tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, thứ nhất, việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay.
Thứ hai, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậ̣m cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Thứ ba, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được, trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay; thứ tư, các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi…
Về nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho hay, ngoài các nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch còn do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm…
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.
Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán và xử lý khác.
Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, của từng bộ, ngành, cơ quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước được chuyển sang). Lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương, vùng và quốc gia.