Việc cho thuê hay mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật không?

Cho thuê hay mượn tài khoản ngân hàng mà người thuê, mượn đã dùng tài khoản này đi lừa đảo người khác thì chủ tài khoản có trở thành đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Cần làm gì nếu đã từng mở tài khoản sau đó chuyển cho người khác sử dụng?

Được biết, một lượng lớn tài khoản ngân hàng cho thuê, cho mượn được phát hiện trong nhiều vụ án quy mô lớn được cơ quan công an triệt phá đã cảnh báo về mối nguy mới xuất hiện này.

Cơ quan công an cho biết, đa số tài khoản này là của người dân do hoàn cảnh khó khăn hoặc bị dụ dỗ, không biết việc mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, vì thế đã tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.

Cho thuê hay mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật không?

Cơ quan điều tra đã xử lý không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo hay tiếp tay lừa đảo từ việc mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.

Khi một người lập tài khoản ngân hàng và cho người khác thuê để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, người thuê lại tài khoản này đã bị bắt vì tội lừa đảo. Vậy khi đó, người cho thuê tài khoản ngân hàng đó có phải là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, theo quy định tại điểm h, khoản 2, điều 5 Thông tư số 23 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc mở tài khoản thanh toán thì chủ tài khoản thanh toán sẽ không được cho thuê cho mượn tài khoản thanh toán của mình. Thông tư trên đã được cập nhật và sửa đổi năm 2019 và 2020.

Theo đó, trong trường hợp, kể cả khi người thuê không sử dụng vào việc phạm pháp thì người cho thuê cũng vẫn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, khoản 6 điều 26 Nghị định 88 năm 2019 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2020 và 2023. Người nào chỉ cần cho người khác thuê, mượn 1 tài khoản sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng, còn nếu cho thuê, mượn nhiều tài khoản có thể bị phạt ở mức cao nhất lên đến 60 triệu đồng. Chính vì thế để tránh bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, các chủ tài khoản cần lưu ý không cho thuê hay mượn tài khoản thanh toán.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 17 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm là có từ hai người trở lên cố ý thực hiện một hành vi phạm tội. Trường hợp nếu biết được người sử dụng tài khoản ấy vào việc lừa đảo mà vẫn cố tình cho thuê thì sẽ là hành vi đồng phạm với tội phạm lừa đảo. Còn trường hợp thực sự không biết về mục đích thuê tài khoản của mình để lừa đảo thì không phải đồng phạm.

Tuy vậy, hành vi cho thuê hay cho mượn tài khoản thanh toán cũng là hành vi tiếp tay cho tội phạm. Chính vì thế, nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh như vậy thì phải chứng minh được bản thân không biết người thuê tài khoản để sử dụng vào mục đích phạm pháp nói chung và lừa đảo nói riêng, đồng thời không liên quan tới việc làm sai trái của người thuê tài khoản.

Ngoài ra, trường hợp không phải chủ tài khoản ngân hàng, khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản ngân hàng nhưng lại đem đi bán, cho thuê, cho mượn, phát tán mà gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo Bộ luật dân sự.

Nếu có các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định tại Bộ luật hình sự thì bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Nếu đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng thì cần lập tức mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó để bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. Bên cạnh đó, không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, nếu bị lộ những thông tin trên thì đối tượng sẽ dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viec-cho-thue-hay-muon-tai-khoan-ngan-hang-co-vi-pham-phap-luat-khong-79888.html