Việc chứng nhận bản dịch chỉ là chứng thực chữ ký người dịch
Theo dự thảo luật sửa đổi, việc chứng nhận bản dịch là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.
Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
So với Luật Công chứng năm 2014, một điểm mới hết sức quan trọng của dự thảo luật là việc xác định khái niệm “công chứng” là việc công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với CCV, tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển các TCHNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, dự thảo luật đã quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng.
Cũng theo dự thảo, thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của TCHNCC; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm CCV có kiến thức, kỹ năng cập nhật. Độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi; tuy nhiên đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.