Việc còng tay, xích chân một người được coi là chưa có tội đúng hay sai ?

Quyền bình đẳng của mọi công dân đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là tiêu chí được chú trọng trong hoạt động tư pháp – tố tụng mà nhà nước ta đang thực hiện.

Vậy trong thực tế, quyền bình đẳng của mọi công dân có thực sự được áp dụng một cách khách quan và đúng đắn hay không?

Từ những vụ án được đưa ra xét xử…đến việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”

Sáng ngày 17/6/2019, bà Nguyễn Thị Nga – nữ tài xế gây tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh hầu tòa. Bên cạnh những tranh cãi về bản án, dư luận còn thắc mắc về việc bị cáo này bị còng tay khi áp giải đến phiên tòa.

Chứng kiến hình ảnh người phụ nữ bị còng tay áp giải đến Tòa vì gây ra tai nạn giao thông, nhiều người lại liên tưởng đến hình ảnh oai vệ, tươi cười như một người lãnh đạo tận tụy đến thăm các địa phương của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng C50 Bộ Công an khi bị đưa ra tòa xét xử trong vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ.

Giải thích về việc không còng tay bị cáo Hóa, thẩm phán Vũ Văn Tuấn (Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ) cho rằng: “Việc không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử là vì họ chưa được chứng minh là có tội. Bên cạnh đó, với lực lượng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, tình huống bị cáo bỏ trốn hoặc gây mất trật tự ảnh hưởng tới an ninh phiên tòa sẽ không thể xảy ra.”

Nguyễn Thị Nga – nữ tài xế gây tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh bị còng tày áp giải đến tòa

Lý giải trên của TAND tỉnh Phú Thọ có thể là hợp lý đối với các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ, nhưng đối với bị cáo Nguyễn Thị Nga – người phụ nữ bị còng tay dẫn đến phiên tòa xét xử vụ tai nạn giao thông, hay đối với những trường hợp phạm tội hình sự thông thường khác thì hình như lại có vẻ không được công bằng? Bởi trên thực tế, hầu hết các bị cáo đều bị xích tay trong quá trình áp giải, đôi khi ngay tại Tòa vẫn không được tháo còng. Việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” như vậy đối với những vấn đề mà ai cũng nhìn thấy sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân đối với pháp luật và những người thực thi pháp luật.

Về mặt lý luận: Trước khi bị Tòa án kết tội bằng một bản án có hiệu lực, các bị cáo được coi là người chưa có tội. Do vậy, họ phải được đối xử như một công dân có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…Việc còng tay, xích chân bị cáo khi áp giải cũng như trong quá trình xét xử tại phiên tòa chẳng khác nào một sự tra tấn cả về thể xác lẫn tâm lý, gây áp lực cho các bị cáo nhất là khi các bị cáo đứng trước những người tham dự phiên tòa (gia đình, bạn bè…) và Hội đồng xét xử (HĐXX). Ở một góc nhìn nào đó thì việc làm này không khác gì một hành động bức cung được thực hiện công khai ngay tại phiên tòa…nơi mà công lý được thực thi.

Tuy nhiên, thực tế tình hình tội phạm đã xảy ra các trường hợp bị cáo manh động, liều lĩnh tự vẫn, bỏ chạy, rượt đánh HĐXX, luật sư, những người tham dự phiên tòà, gây náo loạn phiên tòa…cho nên đối với những trường hợp này buộc phải có những biện pháp ngăn chặn để hạn chế những hậu quả xảy ra trong những tình huống bất ngờ. Bởi vậy, không nên hiểu còng tay, xích chân bị cáo là hình phạt mà chỉ là biện pháp ngăn chặn không cho bị cáo bỏ trốn và để giữ gìn an ninh, trật tự xét xử tại Tòa án.

Mặc dù Luật Tố tụng Hình sự không quy định còng tay,xích chân bị cáo là một trong những biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên về bản chất, việc còng tay, xích chân là biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung hay biện pháp còng tay, xích chân bị cáo nói riêng là các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc, hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người cho nên trong quá trình áp dụng cũng phải vì con người hoặc vì các lợi ích khác lớn hơn.

Bị cáo Phan Sào Nam.( Ảnh: Tuyến Phan) và Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. (Ảnh: Đức Minh)

Một vị luật sư đồng nghiệp của tôi đã từng phát biểu: “Theo tinh thần cải cách tư pháp, chúng ta đã bỏ được vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án, bỏ được áo tù thì tại sao chúng ta không xem xét bỏ còng số 8 khi dẫn giải bị cáo cũng như trong quá trình xét xử”. Nói như vậy là chỉ nhìn đến vấn đề quyền con người theo góc hẹp mà chưa hiểu thật sự về tình hình tội phạm thực tế, về các biện pháp ngăn chặn nói chung hay còng tay, xích chân nói riêng. Việc bỏ quy định về áo tù và vành móng ngựa là hoàn toàn đúng đắn, bởi quy định đó không giải quyết vấn đề an ninh, trật tự trong quá trình dẫn giải cũng như tại phiên tòa, mà nó lại xâm phạm quyền con người. Nhưng việc không “bỏ còng số 8” lại là một vấn đề khác vì đấy là biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình dẫn giải cũng như tại phiên tòa.

Như tôi đã phân tích, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, còng tay, xích chân bị cáo nói riêng, tuy là để ngăn chặn việc bị cáo bỏ trốn cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa, nhưng nó lại hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người cho nên khi áp dụng phải có mục đích, phải có căn cứ, cần phải áp dụng mới được áp dụng, không được tùy tiện, tránh việc áp dụng tràn lan.

Theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 Bộ Công an, cụ thể: “Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa”.

Hiện nay, pháp luật quy định quyền cho phép tháo còng tay, xích chân của bị cáo tại phòng xử thuộc về chủ tọa phiên tòa. Trong trường hợp áp giải từ xe chở phạm nhân vào phòng xử, việc còng tay, xích chân bị cáo thuộc quyền quyết định của người chỉ huy cao nhất trong lực lượng cảnh sát dẫn giải. Tuy nhiên, tháo còng trong trường hợp nào, thời điểm nào thì luật pháp của chúng ta đang bỏ trống. Cũng bởi vì chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về các trường hợp được phép tháo còng tay,xích chân, nên người chỉ huy lực lượng dẫn giải và Thẩm phán là người có toàn quyền đối với việc có tháo còng tay,xích chân cho bị cáo. Khi khoảng quyết quá rộng và không có những quy định cụ thể để cá nhân có thẩm quyền theo đó mà thực hiện thì dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Vậy để tránh việc này tôi cho rằng:

- Thứ nhất; Người có thẩm quyền phải công bố rõ lý do việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp còng tay/xích chân với bị cáo (ví dụ: tại phiên tòa Thẩm phán phải công bố rõ lý do áp dụng hay không áp dụng còng tay, xích chân bị cáo).

- Thứ hai; Cần cụ thể hóa những trường hợp buộc phải áp dụng biện pháp còng tay,xích chân và trường hợp được phép mở còng tay,xích chân cho bị cáo.

Để đưa ra những quy định có hay không việc sử dụng còng tay,xích chân đối với bị cáo trong từng tình huống, bên cạnh những căn cứ phân loại tội phạm: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì nhà làm luật cần cân nhắc đến loại tội phạm (tội phạm kinh tế, chức vụ…khác với các tội buôn bán ma túy, giết người..), nhân thân của người phạm tội để đưa ra quy định cụ thể.

Theo ý kiến của cá nhân tôi: Đối với những bị cáo không có khả năng bỏ trốn hoặc gây mất an ninh trật tự tại phiên tòa thì cũng miễn cho họ việc còng tay, xích chân cả khi áp giải lẫn tại phiên tòa: Bị cáo là người có nhân thân tốt, có ý thức chấp hành pháp luật, phạm tội ít nghiêm trọng; Bị cáo không thể có khả năng bỏ trốn, gây rối.. ví dụ bị cáo bị thương tật hoặc thể chất đã suy nhược nặng.

Đối với những trường hợp bị cáo dù phạm tội đặc biệt nghiêm trọng cũng cho họ được miễn áp dụng biện pháp còng tay, xích chân ít nhất là tại phiên tòa: Bị cáo có nhân thân tốt; sau khi phạm tội có ý thức ăn năn hối cải; các tội phạm kinh tế/chức vụ và bị cáo là người người có chức vụ, quyền hạn trước khi phạm tội (họ ít nhiều có ý thức pháp luật).

Đối với những bị cáo có nhân thân xấu, có lịch sử chống đối chính quyền, chống người thi hành công vụ và không có ý thức ăn năn hối cải hoặc có chứng cứ chứng minh trong quá trình tạm giam bị cáo muốn bỏ trốn hay có khả năng gây rối tại phiên tòa thì dù chỉ bị truy tố về tội ít nghiêm trọng cũng cần sử dụng còng tay trong toàn bộ quá trình dẫn giải và xét xử.

Vậy làm thế nào để đảm bảo được an ninh, trật tự trong quá trình xét xử nhưng lại hạn chế việc xâm phạm quyền con người?

Về lý thuyết việc áp giải bị cáo, đảm bảo an ninh trật tự khi xét xử phiên tòa là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân; còn quyền được xác định họ chưa có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật công nhận có tội là quyền của bị cáo. Do đó, lực lượng công an phải có thêm các biện pháp khác như tăng cường thêm lực lượng, trang bị thêm các công cụ hỗ trợ để kịp thời trấn áp nếu xảy ra vấn bị cáo bỏ trốn hay gây mất an ninh, trật tự, chứ không thể vì mục đích hoàn thành trách nhiệm của mình mà xâm phạm quyền lợi của người khác (ở đây là quyền con người).

Nhiều nước trên thế giới, khi bắt giam nghi phạm hay khi đưa bị cáo ra xét xử, cảnh sát sẽ dùng khăn để che còng tay, và đeo khẩu trang cho bị cáo. Việc làm này vừa giữ kín danh tính, vừa giảm áp lực tâm lý lên bị cáo cũng như người thân của họ; một vài nước sử dụng “vòng tay điện tử”, “ghế bị cáo” để quản lý và giám sát bị cáo trong quá trình áp giải, xét xử nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền con người của họ. Chúng ta cần tham khảo và học hỏi những biện pháp này.

Tuy nhiên, trước mắt cần thực hiện tốt Thông tư số 13/2016/TT-BCA của Bộ Công an bằng cách tăng cường hơn nữa lực lượng cảnh sát tư pháp tại các phiên tòa, thay vì còng tay, xích chân các bị cáo như hiện nay. Trong tương lai chúng ta nên hướng đến bỏ hẳn còng tay,xích chân bị cáo trong quá trình áp giải lẫn tại phiên tòa để sử dụng những biện pháp văn minh, đảm bảo quyền con người hơn.

Ls. Nguyễn Quang Anh- Cty Luật TNHH Sao Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-cong-tay-xich-chan-mot-nguoi-duoc-coi-la-chua-co-toi-dung-hay-sai-post63376.html