Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt

Vừa qua, ông Hoàng Văn Tiến (Hải Dương) có một số thắc mắc về việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn Nhà nước do người quyết định đầu tư quyết định gửi tới Bộ Xây dựng nhờ hướng dẫn giải đáp.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Nội dung thắc mắc như sau:

Nhà thầu tư vấn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình A có được tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý dự án và tư vấn lựa chọn nhà thầu của công trình A không? Nếu có hoặc không thì theo quy định nào của pháp luật? Nhà thầu tư vấn quản lý dự án có được cung cấp dịch vụ tư vấn lựa chọn nhà thầu mà nhà thầu đã tham gia và đã hợp đồng tư vấn quản lý dự án không?

Trường hợp tại tỉnh và huyện thời điểm phát sinh dự án xây dựng các công trình của xã để hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của xã giai đoạn 2011-2020, cụ thể là từ năm 2018 đến tháng 11/2019 không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực, UBND xã do chưa có đủ năng lực nên đã thương thảo và ký hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án các công trình của xã. Vậy, trong trường hợp này xã ký hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng các công của xã có đúng quy định của pháp luật về xây dựng không?

Nếu xã ký hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng là đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp này khi xã nhập sang địa giới hành chính khác mà địa giới hành chính khác lại có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản và phòng chuyên môn về xây dựng của địa giới hành chính mới đề nghị chủ đầu tư (UBND xã) ký lại hợp đồng quản lý dự án các công trình phát sinh trước ngày 1/12/2019, ngày xã chưa nhập về địa giới hành chính mới với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản của địa giới hành chính mới. Trong trường hợp này chủ đầu tư (UBND xã) nên thực hiện như thế nào là đúng quy định của pháp luật, vì các hợp đồng đã ký đang có, còn hiệu lực thi hành.

Có quy định nào của pháp luật về xây dựng khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình, phạm vi công việc, giá trị dự toán điều chỉnh không vượt tổng mức đầu tư được duyệt, chủ đầu tư (người quyết định đầu tư) phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không phải là người quyết định đầu tư rồi mới được thực hiện điều chỉnh không?

Trường hợp ở một đơn vị hành chính có quy chế làm việc mà khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình, phạm vi công việc, giá trị dự toán điều chỉnh không vượt tổng mức đầu tư được duyệt, đều phải được sự chấp thuận, đồng ý của cơ quan có thẩm quyền không phải là người quyết định đầu tư mới được thực hiện việc điều chỉnh. Vậy, trong trường hợp này chủ đầu tư nên thực hiện thế nào thì đúng quy định của pháp luật?

Về vấn đề này, Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Không cấm nhà thầu tư vấn đồng thời tham gia cung cấp dịch vụ khác: Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì không có quy định cấm việc nhà thầu tư vấn đồng thời tham gia lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý dự án và/hoặc tư vấn lựa chọn nhà thầu của cùng một công trình.

Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Căn cứ quy mô, tính chất nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Khoản 1, Điều 62, Luật Xây dựng.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ quy định: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện.

Trường hợp đã thực hiện áp dụng mô hình Ban quản lý dự án phù hợp quy định nêu trên; hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 139, Luật Xây dựng.

Thẩm quyền chấp nhận điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng: Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 61, Luật Xây dựng, trong đó có các quy định: Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn nhà nước do người quyết định đầu tư quyết định; Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm xây dựng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt.

Việc điều chỉnh dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Diệp Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/viec-dieu-chinh-du-an-dau-tu-xay-dung-phai-duoc-tham-dinh-phe-duyet-275938.html