Việc làm cho người trở về từ vùng dịch: Vấn đề cấp thiết

Dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng ngàn lao động Gia Lai tại các khu vực phía Nam bị mất việc làm. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho số đối tượng này.

Đủ nghề mưu sinh

Tính đến nay, vợ chồng anh Siu Sáu (làng Plei Min, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã có 4 năm xa quê để mưu sinh. Vợ chồng anh Sáu làm công nhân cho một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Thu nhập ở mức trung bình nhưng nhờ biết tích góp, vay mượn thêm nên anh có tiền xây nhà ở quê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, mọi kế hoạch và cuộc sống của vợ chồng anh bị đảo lộn. Anh Sáu thở dài: “5 tháng nay, vợ chồng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Nếu ở lại sẽ không có tiền thuê trọ và chi phí ăn uống. Vì vậy, tôi quyết định về quê”.

Sau thời gian cách ly theo quy định, còn chút vốn liếng dành dụm, anh Sáu mua máy gặt lúa bắt đầu công việc mới ở quê nhà. Theo anh Sáu, gặt lúa thuê không phải là công việc thường xuyên. Mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ chỉ gặt trong 10 ngày, nửa tháng. Hết mùa gặt, anh chuyển sang làm công việc đốt rơm thuê, đến mùa lại quay về với ruộng đồng nhưng thu nhập thấp hơn rất nhiều so với làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh.

Khác với vợ chồng anh Sáu, sau hành trình hơn 800 cây số từ Bình Dương trở về xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) bằng xe máy, anh Sút kiếm được việc làm mới tại địa phương. “Tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm thông tin tuyển dụng của các công ty và liên hệ nhưng không tìm được việc. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đành phải xin làm khai thác gỗ keo lai. Công việc vất vả, dễ xảy ra tai nạn nhưng lại không ổn định vì làm theo mùa vụ. Khi công ty hoạt động trở lại, tôi tiếp tục vào làm vài năm nữa để tích lũy thêm ít vốn lận lưng sau này”-anh Sút tâm sự.

Anh Siu Sáu (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bên căn nhà còn dở dang. Ảnh: Đinh Yến

Anh Siu Sáu (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bên căn nhà còn dở dang. Ảnh: Đinh Yến

Là lái xe đường dài, anh Nguyễn Văn Lượng (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng đang chật vật mưu sinh do công ty tạm ngừng hoạt động. Không có việc làm, anh Lượng trở thành “thợ đụng” ai thuê gì làm nấy để kiếm sống qua ngày. “Tôi làm nhiều việc, lúc thì phụ việc cho cơ sở mộc, lúc phụ hồ, làm cỏ, cắt cành cà phê. Tôi không ngại vất vả, nhưng giai đoạn này kiếm việc làm rất khó. Kéo dài mãi thế này, gia đình khó khăn lắm”-anh Lượng bày tỏ.

Hỗ trợ lao động sớm quay lại làm việc

Để hỗ người lao động, trước mắt, chính quyền và đoàn thể các địa phương đã vào cuộc với nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, trong đó có việc giúp họ sớm quay lại thị trường lao động. Trong 2 ngày (22 và 23-10), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Krông Pa tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện. Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho hay: “Thời gian qua, Trung tâm đã nỗ lực kết nối với doanh nghiệp, nhất là các địa phương kiểm soát được dịch Covid-19 để tìm và giới thiệu việc làm cho người lao động. Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động ngay sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới” giúp lao động chủ động trong tìm kiếm việc làm”.

Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Từ tháng 4 đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 lao động từ khu vực phía Nam trở về địa phương tránh dịch. Ngay khi trở về, họ đã được chính quyền bố trí cách ly theo quy định. Những lao động thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 441 của UBND tỉnh, huyện đã gấp rút hướng dẫn làm hồ sơ để kịp thời hỗ trợ. Những trường hợp khó khăn khác cũng được huyện vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm. “Nhằm giúp người lao động chủ động quay lại thị trường việc làm khi dịch bệnh được kiểm soát, huyện đang kết nối với các doanh nghiệp để giúp họ lựa chọn việc làm phù hợp, ổn định lâu dài”-ông Ngô nhấn mạnh.

Người lao động xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) tìm hiểu vị trí việc làm. Ảnh: Hà Tây

Người lao động xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) tìm hiểu vị trí việc làm. Ảnh: Hà Tây

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa thì thông tin: Khi gần 3.000 người trở về địa phương, ngoài triển khai chặt chẽ quy trình quản lý công dân, huyện còn có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho các đối tượng này để họ ổn định cuộc sống trước mắt. Sau đó, ai có nhu cầu tiếp tục quay lại làm việc thì huyện sẽ kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để họ tiếp cận nhanh chóng việc làm.

Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Sở đã xây dựng dự thảo Đề án giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về. Ngoài quan tâm và đảm bảo đời sống cho công dân từ vùng dịch trở về, Sở đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ. “Nếu người lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, chúng tôi sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có để hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường việc làm”-bà Duyên nhấn mạnh.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202110/viec-lam-cho-nguoi-tro-ve-tu-vung-dich-van-de-cap-thiet-5755022/