Việc làm xanh, hướng đi tất yếu trong phát triển bền vững
Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, mô hình kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (gọi chung là việc làm xanh) đang trở thành xu thế tất yếu.

Việc làm xanh như kỹ sư điện gió, phát triển trạm sạc, chuyển giao phần mềm... sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp và Chính phủ. (Ảnh VÕ LÊ)
Không chỉ góp phần xây dựng nền kinh tế ít phát thải, những chuyển động mạnh mẽ trong lĩnh vực này tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh còn mang đến cơ hội việc làm đa dạng, gắn liền với chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
Văn phòng “không khói”
Một trong những điển hình về việc làm xanh là dự án Tòa nhà phức hợp Misa Campus vừa được cấp phép đầu tư tại Khu chế xuất Tân Thuận, do Công ty cổ phần Kotia SaiGon triển khai. Với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, dự án tập trung phát triển các hoạt động sản xuất phần mềm, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ, những lĩnh vực tiêu biểu của nền kinh tế xanh.
Giám đốc công ty Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ: Việc làm xanh mà công ty hướng tới không chỉ là môi trường làm việc không khói bụi, ít phát thải mà còn là không gian sáng tạo mở, đòi hỏi nhân sự có kỹ năng sử dụng công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình làm việc. Công ty hiện có khoảng 2 nghìn nhân viên khi dự án đi vào hoạt động, chủ yếu ở các vị trí như chuyên viên triển khai các phần mềm kế toán, quản lý giáo dục và điều hành...
Tại Khu chế xuất Tân Thuận, một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang hướng xanh hóa, việc thu hút doanh nghiệp công nghệ, tổ chức dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được đẩy mạnh. Mục tiêu đặt ra là hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Trung tâm thông minh tại khu vực phía nam thành phố.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc làm xanh đang tăng nhanh trong các ngành nghề như năng lượng tái tạo, môi trường, xử lý rác-tái chế, xây dựng bền vững... Trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng chú trọng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, nhu cầu tuyển dụng nhân lực “xanh” cũng ngày một lớn.
Tại Khu công nghiệp Tân Tạo, một doanh nghiệp chuyên cung cấp điện mặt trời áp mái hiện đăng tuyển nhiều vị trí kỹ sư thiết kế, kỹ thuật viên lắp đặt và tư vấn vận hành hệ thống. Đại diện bộ phận nhân sự doanh nghiệp này cho biết, đây là lĩnh vực trực tiếp góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với khối sản xuất, vận tải và năng lượng sạch cũng đang đặt ra yêu cầu mới về nhân lực. Theo khảo sát của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phương tiện vận tải điện dự kiến tăng trưởng khoảng 12 đến 15% mỗi năm từ nay đến năm 2030. Đây là nhóm ngành nghề then chốt để thành phố thực hiện lộ trình chuyển đổi 100% phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng điện vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Là cơ hội và trách nhiệm
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Công ty Manpower Việt Nam, đơn vị chuyên về tuyển dụng và tư vấn nhân sự, quá trình chuyển đổi xanh không chỉ tạo ra hàng chục triệu việc làm trên toàn cầu (ước tính khoảng 30 triệu vào năm 2030), mà còn kéo theo những thay đổi căn bản trong cấu trúc thị trường lao động. Các vị trí việc làm xanh đang hiện diện ở hầu hết các ngành, từ kỹ sư vật liệu bền vững, kỹ thuật viên trạm sạc xe điện, nhân sự vận hành hệ thống giao thông thông minh cho đến chuyên gia nông nghiệp đô thị, kỹ sư môi trường... Tuy nhiên, đi kèm với nhu cầu tăng là thách thức lớn về chất lượng lao động. “Có tới 75% nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự có tay nghề cao. Nhất là 94% doanh nghiệp không tìm được ứng viên đáp ứng các tiêu chí ESG - môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp”, bà Trang cho biết.
Điều này cho thấy, để việc làm xanh thật sự trở thành động lực phát triển, bên cạnh trách nhiệm của người lao động trong việc chủ động nâng cao trình độ, học hỏi kỹ năng mới, cần có vai trò kiến tạo từ phía doanh nghiệp và chính quyền. Người sử dụng lao động cần đầu tư bài bản vào đào tạo nội bộ, còn các cơ sở giáo dục và quản lý nhân lực phải định hướng rõ ràng theo mục tiêu chuyển đổi xanh, bền vững.
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, lấy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng xanh làm trọng tâm. Trong bối cảnh đó, việc làm xanh không còn là một xu hướng thời thượng mà đã và đang trở thành một cấu phần thiết yếu trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố. Từ các khu công nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động, các doanh nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ đến các chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hệ sinh thái việc làm xanh đang hình thành rõ nét.
Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống đào tạo bài bản, dự báo nhu cầu thị trường lao động gắn với các ngành nghề “xanh” là yêu cầu cấp thiết; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm bảo đảm nguồn cung lao động có kỹ năng phù hợp, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển cho người lao động.