Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Tất cả các địa phương đều chậm tiến độ
Về quy hoạch tỉnh, tất cả 63 địa phương đều chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP (2 năm) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 17-2, báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt đoàn giám sát trình UBTVQH.
Theo đó, tuy chưa tập hợp được đầy đủ báo cáo của các địa phương, song đoàn giám sát sơ bộ nhận định, hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đến nay cơ bản đã đầy đủ (đã sửa đổi, bổ sung 66 luật và 7 pháp lệnh để bảo đảm bảo đồng bộ và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch kể từ ngày 1-1-2019; các quy định được giao hướng dẫn chi tiết tại Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch cơ bản đã được ban hành đầy đủ).
Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn quan trọng ban hành chậm, đơn cử như Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019) chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Việc hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công cũng chậm…
Về nội dung, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Cụ thể, các quy định về trình tự lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP mâu thuẫn với quy định tại khoản 4, điều 16, Luật Quy hoạch, tạo thêm thủ tục trình tự không cần thiết trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…
Đáng lưu ý, về thời gian hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, Luật Quy hoạch không quy định thời hạn hoàn thành với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 không đạt được tiến độ đã đề ra.
Mặc dù vậy, ông Vũ Hồng Thanh ghi nhận, ngày 19-8-2021, Chính phủ đã chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch. Sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27-9-2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31-12-2022.
Nêu rõ kết quả lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định trong đó có 3 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong, 1 quy hoạch đang trình thẩm định).
“Trách nhiệm chính là của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; chỉ có Bộ GTVT là đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực của Bộ. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31-12-2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Về quy hoạch vùng, đến thời điểm hiện nay chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt, trong đó mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng theo quy định tại khoản 3, điều 16, Luật Quy hoạch và được Hội đồng thẩm định thông qua. Quy hoạch của 5 vùng còn lại vẫn chưa xong nhiệm vụ lập quy hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, quy hoạch của 5 vùng dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12-2022.
Về quy hoạch tỉnh, đến ngày 11-1-2022, có 2 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang, Hà Tĩnh) đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 3 quy hoạch tỉnh đã lập xong, trình thẩm định; 7 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và đang hoàn thiện để trình thẩm định. Dự kiến đến hết quý I năm 2022 sẽ có thêm nhiều quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định. Như vậy, tất cả 63 địa phương đều chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP.
Đồng ý bổ sung dự án sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Với 100% thành viên tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua đề nghị bổ sung dự án sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội (hai ủy ban được giao trách nhiệm phối hợp thẩm tra) nhận thấy, cơ quan đề xuất xây dựng Luật đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu đề xuất các chính sách cơ bản của dự án Luật, đã chú trọng tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của các chính sách...
Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá kỹ thêm để bảo đảm sự thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là các quy định liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, như về tự chủ tài chính, xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...
Về một số chính sách cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề (GPHN) đối với 6 nhóm chức danh (bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...).
Đáng lưu ý, về chính sách 9 (sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng): Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí về sự cần thiết, tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách này.
Tuy nhiên, đây là chính sách lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau, cho nên nếu điều chỉnh chính sách này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cần bổ sung luận cứ thuyết phục, đánh giá kỹ tác động và lấy ý kiến các bên liên quan để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc này. Bởi lẽ, nếu sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng được xác định là thuốc điều trị thì mới được quản lý, sử dụng, thanh toán theo quy định của pháp luật về dược, về bảo hiểm y tế và phác đồ điều trị do Bộ Y tế công bố; còn nếu xác định đây là thực phẩm chức năng thì được quản lý và điều chỉnh theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết Nhà nước phải thống nhất quản lý về giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả đối với giá dịch vụ xét nghiệm bằng máy do tư nhân đặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc áp dụng một mức giá khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc như đề xuất có thể không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau. Hơn nữa, việc thay đổi từ chỗ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước định khung giá và mức giá cụ thể sang quy định Nhà nước định mức giá cụ thể dẫn đến phải sửa đổi Luật giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội và đa số các cơ quan thấy rằng, dự án Luật đã được chuẩn bị trong nhiều năm (đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ năm 2019), tuy còn một số vấn đề cần tiếp tục được đánh giá, làm rõ tác động, nhưng có thể xử lý trong quá trình soạn thảo Luật, nên cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về tiến độ trình dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.