Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ là cần thiết

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là điều hết sức cần thiết. Đó là ý kiến nhận xét, đánh giá của một số đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội được phóng viên báo Tin tức ghi lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế):
Cần có nhận định, nhìn nhận, đánh giá khách quan về cán bộ

Nhiều đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, trình tự, thủ tục ban hành các nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết được Quốc hội bàn thảo.

Video đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu bên hành lang Quốc hội:

"Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo tôi đây là một hướng mở. Đây là việc làm không mới, bởi vì đã được Đảng cũng đã cho chủ trương và triển khai thực hiện mấy năm nay rồi. Năm nay khi Quốc hội thay đổi Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện đồng bộ ở cấp Quốc hội, cấp đại biểu dân cử”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, việc cán bộ không còn uy tín nữa thì tự giác từ chức cũng là cách giữ được uy tín, giữ được thể diện và đồng thời cũng giữ được những đóng góp nhất định của cán bộ đó trong thời gian công tác đến khi từ chức.

“Tôi nghĩ rằng việc xin từ chức cũng cần được tính toán trên rất nhiều yếu tố khi cán bộ đó không thực sự còn uy tín, không có năng lực và đã có những vi phạm mà không thể không từ chức. Còn nếu cán bộ có năng lực, có sức khỏe và vẫn còn có những cống hiến tài năng của mình, trình độ của mình cho sự nghiệp chung mà để họ từ chức thì cũng tiếc”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Cho nên theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu cần có sự đánh giá hai mặt và cần có tổ chức là điểm tựa công minh, khách quan. Khi tổ chức lấy phiếu hay điều hành việc bỏ phiếu phải công bằng, dân chủ có sự nhìn nhận sáng suốt, toàn diện về từng cán bộ nằm trong diện lấy phiếu, bỏ phiếu. Đồng thời phải có cái nhìn tổng thể về đội ngũ cán bộ, bộ máy tổ chức thực hiện để có cách điều hành và điều chỉnh phù hợp, vì công tác tổ chức không chỉ là việc thu nạp thông tin từ những lá phiếu được bỏ cho từng đại biểu, từng cá nhân đại biểu Quốc hội hay cá nhân đại biểu Hội đồng nhân dân lên để tổng hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu bên hành lang Quốc hội.

Cần có sự định hướng để có nhận định, nhìn nhận, đánh giá khách quan về cán bộ nằm trong diện lấy phiếu trước khi bỏ phiếu. Tổ chức cao nhất làm việc này là cấp ủy Đảng cần nhìn nhận sáng suốt về cán bộ để tránh tình trạng trù dập hoặc bị chia rẽ, tránh tình trạng có người lợi dụng cơ hội này để thanh trừ lẫn nhau, hạ bệ lẫn nhau, làm giảm uy tín của nhau.

“Điều đó cần phải tránh. Bởi trong thực tế cuộc sống, đã có một số cán bộ mạnh dạn đấu tranh trong phòng, chống tham nhũng, lên án những hành vi tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo. Nhưng sau đó thì họ lại có kết cục không như mong muốn, cá biệt có khi lại còn bị kỷ luật rồi vô tình lại dẫn đến tù tội”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp):
Người có số phiếu tín nhiệm thấp nên có văn hóa từ chức

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, những quy định mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm thường đã có sự thăm dò đối với những đại biểu có phiếu tín nhiệm thấp, dưới 50% thì tự suy nghĩ xem mình có nên từ chức hay không. Còn nếu không từ chức thì các cơ quan có trách nhiệm sẽ giới thiệu ra Quốc hội để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu.

Video Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu bên hành lang Quốc hội:

“Với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn khi mà người đó có số phiếu tín nhiệm thấp không tự từ chức thì còn quy trình nữa là bãi nhiệm, bãi miễn chức vụ của người đó. Đây là một vấn đề mới mà mỗi người cần có suy nghĩ cụ thể, nếu ai có phiếu tín nhiệm thấp, theo quy định của nghị quyết đề ra để họ có suy nghĩ cần có văn hóa từ chức”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Khi mắc khuyết điểm, bản thân mỗi người cần nhìn nhận mình để có suy nghĩ sửa chữa những sai sót. Quốc hội đã đặt ra cho họ để họ có giải pháp phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước cơ quan, đơn vị mình trong vai trò người đứng đầu.

Về vai trò kiểm soát quyền lực, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng trên cơ sở lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan có trách nhiệm cần kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở những người có số phiếu thấp cần khắc phục những tồn tại, thiếu sót để phấn đấu vươn lên và làm cho tốt hơn. Việc kiểm soát quyền lực hiện nay đã có những văn bản dưới luật, văn bản của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ rất rành mạch, cụ thể, rõ ràng trong công tác kiểm soát quyền lực của những đối tượng này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu bên hành lang Quốc hội.

Đặc biệt Trung ương đã có chỉ thị nêu gương, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bảo vệ bênh vực quyền lợi cán bộ làm tốt. Trong những gia đình có người thân làm cán bộ cấp cao thì vợ con phải gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, không được phép làm ăn bất hợp pháp, làm ăn mờ ám, lợi ích nhóm.

Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viec-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-doi-voi-nguoi-giu-chuc-vula-can-thiet-20230610105255514.htm