Việc lựa chọn sử dụng SGK sẽ thế nào sau khi Bộ GDĐT công bố 32 cuốn SGK của 8 môn học?
Chiều 22/11, Bộ GDĐT đã công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và thông tin về lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong năm học tới đây.
32 SGK của 8 môn học bắt buộc trong Danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT, sẽ được dùng làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, sau 5 tháng nhận thẩm định các bản mẫu SGK từ các nhà xuất bản, sau 2 vòng thẩm định đã có 38/49 bản mẫu SGK ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá "đạt"; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá mức "không đạt".
Bộ GDĐT cho biết, hầu hết các tác giả có bản mẫu SGK "không đạt" đều có nguyện vọng và gửi đơn đề nghị về Bộ để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng.
Các bản mẫu SGK này có thể gửi về Bộ tham gia thẩm định như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Theo nhận định, nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; đảm bảo tính "mở" linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ cho biết, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2019, cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Hiện Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật. Thông tư này sẽ hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả các SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương.
UBND tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện của địa phương mà xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được các SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương đó, phù hợp với phương pháp giảng dạy và năng lực học sinh.
Bộ cũng sẽ quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh/thành phố thực hiện.
Thành phần của Hội đồng thẩm định cũng sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, và các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học sẽ chiếm đa số trong Hội đồng.
Dự thảo Thông tư này hiện đang được Bộ xây dựng, lấy ý kiến trước khi ban hành, dự kiến vào tháng 12/2019. Để kịp đến tháng 3/2020 sẽ thành lập được các Hội đồng thẩm định địa phương; tháng 5/2020 các địa phương lựa chọn được các SGK; từ tháng 5-8/2020 tiến hành các bước tiếp theo để kịp đưa SGK vào sử dụng trong năm học mới 2020-2021.
Bộ GDĐT cũng cho biết, 6 mẫu SGK còn lại, sử dụng cho các môn học lựa chọn sẽ được công bố trong thời gian tới.
Bộ cho rằng, việc lựa chọn SGK theo từng môn học đảm bảo tính phù hợp với từng địa phương, cũng sẽ hạn chế tối đa việc độc quyền trong cung cấp SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Các phụ huynh cũng có thể tham khảo các SGK mới này trong thư viện nhà trường.
Trước câu hỏi giá SGK sẽ như thế nào trong năm học tới? Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Ngô Văn Thịnh cho biết, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ để có một cơ chế giá SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng, tránh sự tăng giá đột biến. Trong trường hợp vấn đề vượt thẩm quyền quyết định của Chính phủ, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi công bố các SGK được sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT sẽ tập trung tập huấn cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo đáp ứng mục tiêu của chương trình.