Việc nặng lương thấp!
Gần đây, cụm từ “Việc nhẹ lương cao” thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để chỉ tình trạng lừa đảo những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết để trục lợi cá nhân. Tình trạng này gây thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế, tổn thất tinh thần cho nạn nhân và gia đình, cũng như phần nào gây bất ổn xã hội, nhưng xét kỹ, đây chỉ là một dạng “bệnh ngoài da”, hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và ý thức hiểu biết của bản thân mỗi người dân.
Trái ngược với nó, câu chuyện “Việc nặng lương thấp” đã và đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay của đất nước. Để giải quyết tận gốc, biết bao giải pháp, ý tưởng của đủ mọi cấp, ngành đã được triển khai, nhưng kết quả đến nay vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là chưa đi đến đâu.
“Việc nặng lương thấp” là câu nói sinh động nhất miêu tả thực trạng công việc và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) khối nhà nước, bởi thực tế với số lượng biên chế ít, nhưng họ phải đảm trách một khối lượng công việc khổng lồ với áp lực cực lớn về chất lượng, tiến độ, yêu cầu và cả sự “săm soi” của không ít người.
Oái oăm ở chỗ, vất vả là thế nhưng thu nhập mang về cho bản thân và gia đình lại thấp không tưởng, ở một số vị trí công việc, mức thu nhập còn được cho là không đủ tái tạo sức lao động chứ đừng nói tích lũy hay phụ giúp gia đình.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM, trong hơn 2 năm gần đây (1/1/2020 đến 30/6/2022), số lượng CBCCVC thành phố nghỉ việc, chuyển việc lên tới 6.177 người, tính trung bình mỗi ngày có đến 8 CBCCVC xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang khối kinh tế tư nhân, thực trạng này tác động lớn đến tình hình chung của thành phố.
Những nguyên nhân chính dẫn đến việc CBCCVC thôi việc hầu hết đều liên quan tới chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Cụ thể, dù thành phố có chế độ thu nhập tăng thêm, nhưng chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.
Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Về cơ hội thăng tiến, vẫn còn tư tưởng coi trọng kinh nghiệm, thiếu tính cạnh tranh, chưa trọng dụng nhân tài đúng mức, chưa tạo được động lực để công chức trẻ rèn luyện, phấn đấu.
Áp lực và sự quá tải công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn nhân sự từ khu vực công thôi việc. Nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục qua đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Tại Vĩnh Phúc, trong một cuộc họp gần đây bàn về tình hình phát triển KT-XH của địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp đã phải nhấn mạnh rằng, tuy không nhiều bằng một số địa phương khác trên cả nước, nhưng thời gian qua, tỉnh cũng có không ít CBCCVC xin nghỉ việc.
Trong khi được biết đến là một tỉnh công nghiệp phát triển có số thu ngân sách cao, thu nhập bình quân đầu người nằm trong top đầu cả nước với nhiều chính sách an sinh xã hội chu đáo mà tình trạng này vẫn xảy ra thì phải coi đây là một sự băn khoăn, trăn trở và day dứt lớn. Cần nắm chắc thực trạng, tìm rõ nguyên nhân và sớm đưa ra giải pháp đúng, trúng để giải quyết tình hình.
Các cụ ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Nếu cán bộ mà còn phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi thì trông mong gì họ tâm huyết, thiết tha với công việc.
Thực tế cho thấy, câu chuyện “Việc nặng lương thấp” không chỉ dẫn đến tình trạng bỏ việc, thôi việc của đội ngũ CBCCVC mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường khác.
Đó là tình trạng tham ô, tham nhũng, thoái hóa biến chất, thậm chí tự diễn biến, tự chuyển hóa chỉ vì miếng cơm manh áo. Đây mới là sự mất mát to lớn của Đảng và Nhà nước bởi đội ngũ CBCCVC chính là những người trực tiếp đại diện cho các cơ quan công quyền chăm sóc và phục vụ nhân dân.
Lịch sử hình thành và phát triển của mọi quốc gia trên thế giới đã chứng minh, dù vận hành ở chế độ nào đi chăng nữa nhưng bộ máy công quyền hoạt động không hiệu quả đều dẫn đến những hệ lụy to lớn. Nhẹ thì bất ổn xã hội, nặng thì sụp đổ cả chế độ như Liên Xô (cũ) và một số các nước thuộc khối XHCN ở Đông Âu trước đây.
Cần lắm những giải pháp kịp thời và đúng đắn thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ CBCCVC, những người đã và đang ngày đêm vắt mình đảm nhiệm vai trò là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc!
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/82687/viec-nang-luong-thap.html