Việc ông Putin báo động lực lượng hạt nhân nghĩa là gì?

Lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngụ ý biến xung đột ở Ukraine thành một cuộc chiến hạt nhân lớn hơn. Điều này trái với những gì Nga và Mỹ từng thống nhất.

Tổng thống Putin và Tổng thống Biden từng tuyên bố không thể lặp lại mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân. Ảnh: AFP.

Tổng thống Putin và Tổng thống Biden từng tuyên bố không thể lặp lại mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân. Ảnh: AFP.

Chưa đầy một năm trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đã tuyên bố mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân là tàn dư của Chiến tranh Lạnh và không thể lặp lại.

Tuy nhiên, hôm 27/2, Tổng thống Putin đã yêu cầu các quan chức quốc phòng và quân sự hàng đầu đặt lực lượng hạt nhân Nga “vào trạng thái sẵn sàng”.

Ông Putin cho biết đây là động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt với Nga trong những ngày gần đây, vì cuộc tấn công vào Ukraine. Ông cũng lên án các quan chức NATO đã đưa ra "những tuyên bố gây hấn" với Điện Kremlin.

Trên thực tế, lời cảnh báo của ông Putin hiếm khi được nghe thấy ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô cũ đe dọa thế giới bằng những “trận chiến hủy diệt”. Chính quyền Biden vẫn đang đánh giá tuyên bố này.

Trạng thái "cảnh báo" có ý nghĩa gì?

Trạng thái của vũ khí là trọng tâm trong nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc tấn công. Theo đó, trạng thái “cảnh báo” buộc các lực lượng chuẩn bị đáp trả trong thời gian ngắn, khiến kẻ thù ít có khả năng tấn công trước hoặc gây nhiều thiệt hại.

Trước đây, để hạn chế nguy cơ chiến tranh hạt nhân, một số chuyên gia về vũ khí đã đề nghị tách đầu đạn hạt nhân khỏi tên lửa, theo AP.

Tuy nhiên, sau mệnh lệnh của ông Putin, các tên lửa rất có khả năng sẽ được tái trang bị. Nga cũng có thể tải vũ khí hạt nhân lên hạm đội không quân hoặc điều thêm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra biển.

Ngoài lực lượng hạt nhân chiến lược, Nga còn có ít nhất vài nghìn vũ khí hạt nhân phi chiến lược, chẳng hạn như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Những vũ khí này được gọi là phi chiến lược vì không thể tiếp cận lãnh thổ Mỹ, nhưng các quốc gia ở châu Âu hoàn toàn nằm trong tầm bắn.

Kho vũ khí của Moscow bao gồm 527 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược. ICBM có thể đạt tốc độ tối đa 6,4 km/giây, điều đó có nghĩa vũ khí này sẽ tới Anh chỉ trong 20 phút, theo Telegraph.

Hệ thống chỉ huy của Nga cũng được quyền phóng vũ khí hạt nhân trong vòng 10 phút sau khi nhận lệnh từ tổng thống, thông qua cái được gọi là vali hạt nhân Cheget - chiếc vali huyền thoại vốn được Tổng thống Putin sử dụng để truyền mệnh lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết.

Phản ứng của NATO?

Mỹ ngay lập tức tố cáo hành động leo thang căng thẳng của Tổng thống Nga là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Anh Liz Truss trước đó cũng cảnh báo bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga để chống lại các lực lượng Ukraine, sẽ thể hiện "sự leo thang nghiêm trọng" của cuộc xung đột.

Khi được hỏi về lời đe dọa của ông Putin, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng nhà lãnh đạo Nga nên nhớ NATO cũng là một liên minh hạt nhân. Trong khi đó, giám đốc NATO Jens Stoltenberg hôm 28/2 cho biết: "(Tuyên bố của ông Putin) là lời ngụy biện nguy hiểm và hành vi vô trách nhiệm".

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền ông Biden sẽ đáp trả tuyên bố của ông Putin bằng một động thái tương tự đối với lực lượng hạt nhân Mỹ. Cũng không có tin tức nào từ Washington về việc ông Putin đã tiến hành các bước đáng lo ngại như tải vũ khí hạt nhân lên toàn bộ hoặc một phần hạm đội không quân Nga, hoặc điều thêm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra biển.

Khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là bao nhiêu?

Các quan chức Mỹ tỏ ra bối rối trước ý định thật sự của ông Putin. Nhưng rất hiếm khi một nhà lãnh đạo Mỹ hay Nga đưa ra lời đe dọa về chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine hiện nay.

Trong quá khứ, lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến đấu là khi Mỹ ném bom Nhật Bản vào tháng 8/1945. Thời điểm đó Mỹ độc quyền toàn cầu về vũ khí hạt nhân. Nhưng Liên Xô đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Cho đến nay, Mỹ và Nga có hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Daryl Kimball nhận định việc ông Putin ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân Nga trong trạng thái sẵn sàng là điều đáng tiếc, nhưng không hoàn toàn bất ngờ. Trước đó, ông Putin đã đưa ra những lời đe dọa với bất kỳ quốc gia nào cố gắng ngăn chặn Nga ở Ukraine.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viec-ong-putin-bao-dong-luc-luong-hat-nhan-nghia-la-gi-post1299319.html