Việc quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Vũ Văn Phong ở phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 18 Luật Thủy sản. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong kế hoạch quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

b) Thực hiện chế độ quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Bố trí người có chuyên môn về thủy sản làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh;

d) Đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, thực hiện bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh;

đ) Báo cáo hằng năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

* Bạn đọc Hoàng Văn Hưng ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, hỏi: Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

4. Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

QĐND

Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-quan-ly-nguon-loi-thuy-san-he-sinh-thai-thuy-sinh-trong-rung-dac-dung-rung-phong-ho-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-748642