Việc rà soát phòng cháy ở Hà Nội liệu có qua loa?
Liên tiếp nhiều vụ cháy gần đây cho thấy, thực trạng cháy nổ trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng ngày 24/5 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy càng cho thấy những bất cập, lỗ hổng trong công tác phòng cháy, nhất là khi thành phố đã thực hiện kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ
Qua các vụ cháy có thể thấy, nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư đang trên địa bàn Hà Nội luôn ở mức báo động. Đó là thực trạng phố nhỏ, ngõ nhỏ, ý thức người dân về phòng cháy, chữa cháy chưa cao; tại các dãy nhà trọ, chủ nhà chưa thật sự quan tâm công tác này. Với trên 1200 tuyến phố, ngõ nhỏ, có những ngõ nhỏ sâu hàng trăm mét, việc tiếp cận của xe chữa cháy gần như không thể. Trong khi đó, tại các dãy nhà ống, nhà tập thể cũ là tình trạng “chuồng cọp” bủa vây, nên khi xảy ra cháy rất khó thoát ra ngoài.
Ông Lê Thành Tâm, người dân phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: "Từ những bài học vừa rồi cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Tôi đề nghị thành phố, ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra về phòng cháy…"
Sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, tháng 9/2023, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện thực hiện tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý. Qua rà soát của các địa phương, hầu hết các cơ sở cho thuê trọ đều không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho biết" "Qua công tác điều tra, kiểm tra về cơ bản các cơ sở cho thuê trọ chưa đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy…"
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo mới đây của UBND thành phố Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc rà soát, tổng kiểm tra phòng cháy chữa, cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn có qua loa hay không, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi khằng định việc rà soát được thực hiện nghiêm túc. Ngày 13/9/2023 Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Công điện, sau đó tổ chức hội nghị đến 30 quận huyện, 579 xã phường thị trấn rà soát phòng cháy chữa cháy…"
Nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ, nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô, thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng Đề án tổng thể giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc Hà Nội xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy là hết sức cần thiết, trong bối cảnh thực trạng cháy nổ trên địa bàn luôn tiềm ẩn. "Theo tôi việc phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố, với nhiều vụ việc xảy ra ở nhiều nơi thời gian qua là tiếng chuông cảnh tỉnh đến các nhà quản lý…."- KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 387 vụ cháy. Qua rà soát hiện thành phố còn trên 2.100 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau khi Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực; 1429 nhà chung cư, 398 nhà ở nhiều căn hộ, khoảng 31.200 nhà trọ và trên 39.200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ. Cơ quan chức năng đã kiểm tra 100% cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy trên 1.200 trường hợp, với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở. Đáng chú ý, Hà Nội có trên 6.600 cơ sở xây dựng sai phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, khu vực đang bị thu hồi...
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viec-ra-soat-phong-chay-o-ha-noi-lieu-co-qua-loa-post1097831.vov