Việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Chu Phương Thảo ở phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hỏi: Việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 18 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể như sau:

1. Trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng thì phải thông báo lại và được người tiêu dùng đồng ý về việc thay đổi.

2. Việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng quy định trong Luật này bao gồm cả việc chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý, trừ các trường hợp sau đây:

a) Có thỏa thuận riêng với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi sử dụng ngoài những mục đích, phạm vi đã thông báo;

b) Để bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của người tiêu dùng và chỉ trong phạm vi thông tin do người tiêu dùng đã đồng ý;

c) Để thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép thực hiện các hành vi sau đây:

a) Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh, chuyển giao thông tin đã được thu thập phù hợp quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ hoặc phân tích phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định tại Luật này;

b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có tính chất thương mại khác.

* Bạn đọc Nguyễn Minh Trung ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Việc bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Cụ thể như sau:

1. Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hằng năm, Bộ Công an, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-su-dung-thong-tin-cua-nguoi-tieu-dung-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-788911