Việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Trần Thị Liên ở Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore thuộc phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 168 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.

2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

* Bạn đọc Đào Văn Tùng ở xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP Hà Nội hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ môi trường nước dưới đất?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:

1. Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.

2. Hoạt động khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước dưới đất.

3. Cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.

4. Cơ sở, kho, bãi chứa, lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất.

5. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm xử lý ô nhiễm.

6. Việc bảo vệ môi trường nước dưới đất phải tuân thủ quy định của luật này, pháp luật về tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc bảo vệ môi trường nước dưới đất.

8. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bảo vệ môi trường nước dưới đất trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-bao-hiem-that-nghiep-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-700655