Việc thiện ở Đồng Thiện Đàn
Đồng Thiện Đàn là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của làng Đồng Lâu, xã Thọ Ích, huyện Nam Xương trước kia, nay là khu dân cư Đồng Lâu, thôn An Đồng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, thờ Tam giáo và các vị thánh thần... Đúng như tên gọi, bao năm qua, làm việc thiện là một trong những hoạt động nổi bật của Đồng Thiện Đàn, được các đàn sinh (chỉ đàn ông), đàn viên (chỉ phụ nữ), nhân dân, quý khách thập phương về lễ tại Đàn đồng lòng thực hiện.
Đồng Thiện Đàn là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của làng Đồng Lâu, xã Thọ Ích, huyện Nam Xương trước kia, nay là khu dân cư Đồng Lâu, thôn An Đồng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, thờ Tam giáo và các vị thánh thần... Đúng như tên gọi, bao năm qua, làm việc thiện là một trong những hoạt động nổi bật của Đồng Thiện Đàn, được các đàn sinh (chỉ đàn ông), đàn viên (chỉ phụ nữ), nhân dân, quý khách thập phương về lễ tại Đàn đồng lòng thực hiện.
Đồng chí Vũ Thị Chiến, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Đồng chia sẻ: Theo các cụ xưa kể lại (chi tiết này cũng được ghi trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đạo Lý): Trong nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1945), Đồng Thiện Đàn đã tổ chức phát chẩn 2 lần để cứu giúp nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Nghĩa cử cao đẹp này được lưu truyền rộng rãi tới ngày hôm nay.
Là công trình tôn giáo đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, vào ngày mùng một, mười rằm, những dịp lễ tiết... các đàn sinh, đàn viên, nhân dân trong làng, quý khách thập phương đến Đồng Thiện Đàn lễ đông. Ngoài cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng xóm yên bình; cầu cho gia đình sức khỏe, bình an, con cháu học hành tiến bộ, làm ăn thuận lợi, phát đạt... đến Đồng Thiện Đàn mọi người tìm thấy cho riêng mình sự thư thái, bình yên trong tâm hồn; được thoải mái, tĩnh tâm ngắm cảnh, ngắm những nét đẹp kiến trúc cổ xưa vẫn còn được lưu giữ ở nơi đây.
Cổng Đồng Thiện Đàn đã được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Thanh Châu
Ông Trương Quốc Vịnh, chủ Đàn cho biết: Hiện nay, Đồng Thiện Đàn có khoảng 600 đàn sinh, đàn viên là người trong thôn, trong xã, và một số xã lân cận. Theo quy định, trước kia, khi quy đàn (còn gọi là quy dương) mỗi đàn sinh, đàn viên đóng góp xây dựng quỹ 10kg thóc. Ngày nay, khi quy đàn mọi người không đóng thóc mà đóng tiền tương đương với giá 10kg thóc. Số tiền xây dựng quỹ một phần dành để trùng tu, tôn tạo, kiến thiết Đồng Thiện Đàn; một phần dành để thăm hỏi khi đàn sinh, đàn viên đau ốm và tổ chức phúng viếng, động viên các gia đình có đàn sinh, đàn viên qua đời; một phần dành để làm việc thiện. Để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, chính xác trong thu, chi tiền quỹ, tiền người dân tới lễ, tiền công đức, Đồng Thiện Đàn chọn người trong Ban Quản lý đảm nhận công tác tài chính, có nhiệm vụ quản lý, ghi chép, tổng hợp các khoản thu, chi, báo cáo trước cuộc họp nội Đàn vào dịp tháng Chạp hằng năm.
Đặc biệt, để bảo đảm sự trang nghiêm, linh thiêng ở khu tâm linh, Đồng Thiện Đàn có quy định: Khi đến Đàn lễ, mọi người phải mặc quần áo gọn gàng, ngay ngắn; không mặc quần áo quá ngắn, quá cộc; đi lại nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, đủ nghe; thực hiện giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh ở từng thời điểm cụ thể... Vào các ngày lễ tiết, Ban khánh tiết Đồng Thiện Đàn có mặt trước để lau dọn trong, ngoài sạch sẽ; tiếp nhận lễ, dâng lễ của khách đặt vào đúng nơi quy định. Với các gia đình có nhu cầu làm lễ tại Đàn, đại diện chủ gia đình và người nhận làm lễ cho gia chủ phải báo cáo nội dung, thời gian cho chủ Đàn biết trước. Người làm lễ cho gia chủ phải đặt chữ tâm, chữ thiện, chữ đức làm đầu, làm trọng.
Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn An Đồng Vũ Thị Chiến cho biết thêm: Kế thừa và nối tiếp nét đẹp truyền thống làm việc thiện cha ông để lại, những năm qua, mỗi khi thôn, xã phát động ủng hộ xây dựng các loại quỹ nhân đạo từ thiện, Đồng Thiện Đàn luôn cử người trực tiếp mang tiền đến đóng góp, ủng hộ sớm nhất. Việc làm này của Đồng Thiện Đàn tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng tích cực trong nhân dân. Cùng với việc đi đầu trong đóng góp, ủng hộ các loại quỹ nhân đạo từ thiện, Đồng Thiện Đàn còn chủ động tìm hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, trong xã vượt khó vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.
Bao năm qua, việc thiện, việc nghĩa ở Đồng Thiện Đàn luôn được duy trì tiếp nối, phát huy góp phần tô đẹp tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của quê hương, của dân tộc; góp phần giúp người, giúp cộng đồng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/viec-thien-o-dong-thien-dan-82967.html