Việc Tổng thống Joe Biden xóa nợ khoản vay sinh viên có thể gia tăng sức ép lạm phát

Hôm 24-8, Tổng thống Mỹ, Joe Biden ký sắc lệnh xóa nợ 10.000 đô la Mỹ trong khoản vay sinh viên của hàng chục triệu người Mỹ. Động này thái có thể thúc đẩy sự ủng hộ đối với Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, nhưng cũng có thể gia tăng sức ép lạm phát vì giúp giải phóng hàng trăm tỉ đô la cho các chi tiêu tiêu dùng mới.

Tổng thống Joe Biden thông báo quyết định xóa nợ sinh viên tại Nhà Trắng hôm 24-8. Ảnh: Getty

Tổng thống Joe Biden thông báo quyết định xóa nợ sinh viên tại Nhà Trắng hôm 24-8. Ảnh: Getty

Cụ thể, theo nội dung sắc lệnh, những người Mỹ đang có thu nhập thấp hơn 125.000 đô la/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập thấp hơn 250.000/năm sẽ được xóa nợ 10.000 đô la trong khoản vay thời sinh viên của họ. Đối với những người nằm trong diện hộ gia đình có thu nhập thấp, từng nhận được trợ cấp liên bang (Pell Grant) thời sinh viên và hiện có thu nhập thấp hơn 125.000 đô la/năm, mức xóa nợ có thể lên đến 20.000 đô la. Những sinh viên hiện tại cũng sẽ được xóa nợ nếu khoản vay sinh viên của họ phát sinh trước ngày 1-7-2022.

Kể từ tháng 3-2020, thời điểm khủng hoảng đại dịch Covid-19 lên cao trào, người Mỹ được phép dừng trả nợ sinh viên theo Đạo luật Cares và thời hạn này sẽ kết thúc vào ngày 31-8 tới. Tuy nhiên, sắc lệnh của Tổng thống Biden gia hạn việc tạm dừng trả nợ sinh viên đến cuối năm nay đồng thời quy định mức trả nợ sinh viên tối đa là 5% thu nhập hàng tháng của người vay nợ.

Trước đó, các nghị sĩ Đảng Dân chủ thậm chí còn vận động Tổng thống Biden xóa nợ lên tới 50.000 đô la cho mỗi sinh viên người Mỹ có vay nợ vì cho rằng khoản nợ sinh viên quá lớn khiến những người Mỹ trẻ tuổi không thể tiết kiệm để trả tiền mua nhà hoặc mua sắm hàng hóa tiêu dùng có giá trị lớn.

Hơn 40 triệu người Mỹ đang gánh khoản nợ vay sinh viên trị giá tổng cộng gần 1,75 nghìn tỉ đô la, với trung bình mỗi người đang có dư nợ sinh viên hơn 30.000 đô la. Phần lớn số tiên này vay từ Bộ Giáo dục Mỹ.

Hơn 40 triệu người Mỹ đang có tổng dư nợ sinh viên gần 1,75 nghìn đô la. Ảnh: CNBC

Hơn 40 triệu người Mỹ đang có tổng dư nợ sinh viên gần 1,75 nghìn đô la. Ảnh: CNBC

Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực New York cho thấy việc xóa 10.000 đô la trong khoản nợ sinh viên cho hàng chục triệu người Mỹ có thể tiêu tốn ngân sách lên tới 321 tỉ đô la. Nghiên cứu chỉ rằng rằng khoảng 11,8 triệu người trong số hơn 40 triệu người Mỹ có khoản vay sinh viên sẽ được xóa sạch nợ hoàn toàn vì dư nợ hiện tại của họ thấp hơn 10.000 đô la. Điều khoản xóa nợ thêm cho những người thuộc diện được nhận trợ cấp liên bang thời sinh viên có thể đẩy số người được xóa hết nợ sinh viên lên cao hơn nữa. Khoảng 7/10 người Mỹ vay nợ thời sinh viên cũng là người được nhận trợ cấp liên bang.

Theo Nhà Trắng, có khoảng 43 triệu người Mỹ, chiếm 95% người Mỹ có khoản nợ sinh viên, sẽ được xóa nợ và 20 triệu người trong số đó sẽ được xóa sạch nợ hoàn toàn.

Phát biểu tại Nhà Trắng sau khi ký sắc lệnh xóa nợ sinh viên, Tổng thống Biden nói: “Điều này có nghĩa là cuối cùng người Mỹ sẽ bắt đầu thoát ra khỏi núi nợ sinh viên… để cuối cùng nghĩ đến việc mua một ngôi nhà hoặc kết hôn hoặc bắt đầu kinh doanh. Khi điều đó xảy ra, toàn bộ nền kinh tế sẽ tốt hơn”.

Những lời phát biểu của ông Biden gây phấn chấn cho những người chờ đợi ông thực hiện cam kết vận động tranh cử trước đây rằng sẽ hỗ trợ những người dân đang mắc kẹt trong khoản nợ sinh viên, nhưng gây lo ngại cho một số nhà kinh tế vì họ cho rằng với chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm, quyết định xóa nợ sinh viên chẳng khác nào “đút thêm củi vào lò”.

Marc Goldwein, Giám đốc chính sách cấp cao của Ủy ban ngân sách liên bang có trách nhiệm, ước tính tổng cộng gói xóa nợ sinh viên có thể tiêu tốn tiền thuế của người dân Mỹ đến 500 tỉ đô la.

Ông nói: “Điều này sẽ làm lạm phát tồi tệ hơn và nó sẽ ăn mòn tất cả tác động giảm phát của Đạo luật Giảm lạm phát”.

Thậm chí một số thành viên cánh tả của đảng Dân chủ cũng lo lắng việc đưa hàng chục nghìn đô la trở lại túi của hàng triệu người Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu và đẩy giá cả tăng lên cao hơn nữa. “Rót khoảng 500 tỉ đô la xăng vào ‘ngọn lửa’ lạm phát đang bùng cháy là hành động liều lĩnh” Jason Furman, cựu Chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, viết trên Twitter.

Đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm phản đối gay gắt. Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng họa tại Thượng viện, gọi sắc lệnh xóa nợ sinh viên là sự phân phối thịnh vượng bất công. Ông cho biết mức thu nhập của người Mỹ có món nợ sinh viên cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân Mỹ nói chung. Một số nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc xóa nợ sinh viên chỉ có lợi chủ yếu cho những người có thu nhập cao.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mitt Romney gọi động thái xóa nợ sinh viên của ông Biden không chỉ bất công với những người trả nợ sinh viên đầy đủ mà còn gia tăng áp lực giá cả vào thời điểm lạm phát ở mức cao lịch sử.

Tuy nhiên, Susan Rice, Giám đốc Hội đồng chính sách nội địa của ông Biden, cho rằng 90% số tiền xóa nợ sẽ được phân bổ cho những cá nhân có thu nhập dưới 75.000 đô la/ năm, và không có cá nhân hoặc cặp vợ chồng nào trong 5 % người thu nhập cao nhất ở Mỹ được xóa nợ sinh viên.

Theo một số chuyên gia, việc xóa nợ sinh viên chỉ tác động đến lạm phát chỉ ở mức nhỏ, vì đối với người được giảm bớt nợ sinh viên, họ sẽ được giảm bằng cách trả ít nợ hơn mỗi tháng chứ không phải được trừ hẳn 10.000 đô la một lần. Hơn nữa, nhiều người Mỹ đã mất khả năng trả nợ sinh viên. Theo Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), khoảng 16% người vay nợ sinh viên ở Mỹ đã rơi vào tình trạng vỡ nợ. Phe Dân chủ cho rằng chính sách xóa nợ sinh viên là điều cần thiết để giải quyết vấn đề bất bình đẳng sắc tộc vì những người da đen và da màu khác mắc nợ sinh viên nhiều hơn so với người da trắng.

Theo Reuters, Financial Times, NY Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viec-tong-thong-joe-biden-xoa-no-cho-sinh-vien-co-the-gia-tang-suc-ep-lam-phat/