Việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ

Ông Trần Minh Hùng cho biết hiện nay việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau

Ngày 16/5 tại Hà Nội, Đài Truyền hình KTS VTC phối hợp với công ty Cổ phần A9 Media tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”.

Ông Trần Minh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau; các thông tin về truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng hoàn toàn.

 Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Ảnh: Tường Vy

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Ảnh: Tường Vy

Do đó, để đảm bảo kết nối tốt thì cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, chỉ trong năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó có hơn 15.000 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai vào năm 2019. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.

Hội thảo đã nghe 4 ý kiến tham luận tập trung vào: Thực trạng và giải pháp của việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa. Những chủ trương, nhiệm vụ về việc phát triển những chính sách pháp luật về quản lý truy xuất hàng hóa.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm” hướng tới bàn thảo và giải quyết các vấn đề cấp bách trong quản lý chất lượng và minh bạch nguồn gốc với những nội dung như trình bày thực trạng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của người tiêu dùng, nêu ra những chủ trương xã hội hóa về phát triển giải pháp, chính sách pháp luật về quản lý truy xuất nguồn gốc. Qua đó trình bày các giải pháp về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Mục tiêu của Hội thảo lần này nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Do đó, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội để có thể ra đời cổng thông tin truy xuất hàng hóa phục vụ quản lý thương mại và các nội dung khác thuộc lĩnh vực Công thương.

Tường Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-truy-xuat-nguon-goc-dang-bi-phan-tan-do-chua-ket-noi-chia-se-post247850.html