Việc 'tuýt còi' máy mượn, máy đặt tại BV công: Không phù hợp với thực tế!

Những ngày qua, câu chuyện máy mượn, máy đặt tại bệnh viện (BV) công 'nóng' hơn bao giờ hết, đặc biệt sau công văn của Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khám chữa bệnh (KCB) không mượn máy hoặc cho phép máy đặt trong viện.

Trong bối cảnh hệ thống y tế công đang gặp nhiều khó khăn khác như thiếu thuốc, thiếu vật tư, nhiều nhân sự nghỉ việc…, ý kiến này khiến nhiều BV đang rất lúng túng, chưa biết phải làm sao bởi phần lớn danh mục kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân bấy lâu nay đều từ máy mượn, máy đặt.

Hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phan Duyên

Hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phan Duyên

Bộ Tài chính khẳng định “không có quy định được mượn tài sản sử dụng”

Ngày 24/6, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị các đơn vị KCB không mượn máy hoặc cho phép máy đặt trong viện, tránh tình trạng phụ thuộc vào DN. Trường hợp cần vật tư, hóa chất để sử dụng máy, cơ sở y tế có thể thuê tài sản theo phương thức đấu thầu về quản lý sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính khẳng định “pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công không có quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị được mượn tài sản để sử dụng”. Từ năm 2017, đơn vị đã có nhiều văn bản gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu ý kiến cụ thể về việc đơn vị KCB không thực hiện mượn hoặc cho phép đặt máy từ các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất.

Ước tính hiện nay có đến 95% cơ sở y tế công đều sử dụng máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất, thay vì tự mua sắm. Với yêu cầu này của Bộ Tài chính, nếu bảo hiểm y tế (BHYT) ngưng thanh toán các chi phí khi sử dụng máy đặt, máy mượn, phía người bệnh sẽ thiệt hại rất nặng. BV cũng gặp nhiều khó khăn vì không có máy cho KCB.

Trước đó, tháng 5/2022, BHXH Việt Nam từng đề nghị các địa phương dừng thanh toán BHYT dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, dựa trên quyết định của Bộ Y tế bãi bỏ công văn liên quan. Điều này khiến hoạt động KCB bị ảnh hưởng lớn. Các BV đối mặt nguy cơ tạm ngưng dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, đồng nghĩa người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Trường hợp BV tiếp tục thực hiện các xét nghiệm trên các máy mượn, máy đặt, bệnh nhân phải tự thanh toán, ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh BHYT, gây tác động lớn đến an ninh xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngành y tế rơi vào tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, thiết bị y tế phục vụ KCB cho người dân, việc yêu cầu dừng hoạt động đặt máy, mượn máy là không phù hợp. Người thiệt cuối cùng là bệnh nhân.

Ngoài ra, hoạt động liên doanh, liên kết giữa BV công và tư nhân rất hiệu quả, vấn đề là không có quy định pháp luật để quản lý hoạt động này dù rất cần thiết và phù hợp với cuộc sống. Vì không có quy định nên mới nảy sinh tình trạng nhập nhèm giá cả, hạch toán sai, lỗi ở đây là thiếu quy định pháp luật.

Trong trường hợp phải bổ sung quy định về đấu thầu thuê máy xét nghiệm tại các BV thời gian tới, cần có cơ chế riêng chứ không thể áp dụng như đấu thầu thuê mua máy móc thông thường bởi việc thuê mua máy, thiết bị y tế có những đặc thù riêng. Trong khi đó, nhiều BV cho rằng, sử dụng máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất mang lại nhiều lợi ích trong xét nghiệm, KCB, tránh lãng phí ngân sách.

Tuy nhiên, với công văn mới đây của Bộ Tài chính, có thể các cơ sở KCB đang sử dụng máy mượn, máy đặt sẽ lại rơi vào một tình huống "khó xử", lúng túng, chưa biết phải làm sao khi theo thực tế hiện nay, hầu hết các BV trên cả nước đều sử dụng máy đặt, máy mượn từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất thay vì tự chủ mua sắm trọn gói. Ở nhiều BV, danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Hiện nay có đến 95% cơ sở y tế công đều sử dụng máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất, thay vì tự mua sắm. Ảnh: Thanh Hải

Hiện nay có đến 95% cơ sở y tế công đều sử dụng máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất, thay vì tự mua sắm. Ảnh: Thanh Hải

Nên duy trì cơ chế máy đặt, máy mượn trong bệnh viện?

Các BV cho rằng, máy đặt, máy mượn là "một thực tiễn của lịch sử", nếu tạm ngừng sẽ đẩy các đơn vị vào thế "kẹt" không biết nên dừng hay tiếp tục hoạt động KCB. Đơn cử như BV Chợ Rẫy, hiện có tới 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện hoạt động đều là máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Còn với BV Hữu nghị Việt Đức có tới 90% người bệnh BHYT điều trị nội trú tại BV và 95% số máy xét nghiệm là mượn của công ty trúng thầu hóa chất. Trong khi đó, chi phí xét nghiệm quyết toán BHYT chiếm tới 42% tổng số tiền xét nghiệm tại BV này. Nếu bỏ đi số máy mượn, máy đặt tại các BV, đồng nghĩa với việc các BV sẽ phải đầu tư số tiền khổng lồ để mua máy…

Hầu hết các chuyên gia trong ngành y tế đều cho rằng Nhà nước nên duy trì cơ chế máy đặt, máy mượn trong các BV. Tuy nhiên, tại thời điểm hợp đồng cần đưa ra cơ cấu giá chi phí liên quan đến việc đặt máy và phải được thống nhất. Thay vì cơ cấu giá mới chỉ tính ở mức phân bổ khấu hao theo máy, chưa tính chi phí hóa chất xét nghiệm trên một mẫu cụ thể như hiện nay.

“Đây là hình thức khá phổ biến được áp dụng ở gần như các BV từ tuyến tỉnh đến T.Ư. Tại sao nó lại phổ biến, chắc chắn phải là một hình thức phù hợp và chứng minh được hiệu quả thực tiễn. Như vậy Nhà nước cần có cơ chế bổ sung và luật hóa vấn đề đã được xã hội công nhận” - Giám đốc một BV lớn ở TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Về phía Bộ Y tế, hiện Bộ chưa nêu quan điểm về vấn đề này.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết đã đề nghị Bộ Y tế có hướng xử lý sau công văn của Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã họp bàn, phân tích, gỡ vướng liên quan đến mua sắm đấu thầu, đặc biệt là cơ chế chính sách. Được biết, Thông tư 15 Bộ Y tế ban hành năm 2007 hướng dẫn về xã hội hóa trong các cơ sở KCB công lập, không có hình thức máy mượn, máy đặt.

Năm 2015, BHXH Việt Nam kiểm tra, kết quả rất nhiều cơ sở KCB dùng máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu hóa chất, ràng buộc luôn số lượng dịch vụ kỹ thuật và hóa chất phải thực hiện từ máy này. Bộ Y tế sau đó hướng dẫn cơ sở KCB phải trúng thầu hóa chất mới được đặt máy. Tuy nhiên, đấu thầu hóa chất thực hiện mỗi năm một lần, tối đa hai năm.

Trước vướng mắc này, năm 2017, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất quy định không được đặt máy mà phải thuê hoặc nếu cho tặng thì phải chuyển đổi hình thức sở hữu toàn dân. Năm 2018, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiếp tục thanh toán cho các trường hợp máy đặt, máy mượn đã trúng thầu hóa chất. BHXH Việt Nam đã nhận thấy có những vướng mắc trong việc chuyển đổi.

Bởi đến nay, sau 5 năm mà các đơn vị vẫn chưa chuyển theo hình thức thuê hay tặng, sở hữu toàn dân theo quy định. “Là cơ quan chi trả phí KCB cho người tham gia bảo hiểm, chúng tôi sẽ thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngày 7/7, BHXH Việt Nam đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ Y tế về vấn đề này. Hiện tất cả các đơn vị, cơ sở đang chờ hướng xử lý của các bên liên quan để thực hiện theo. Cụ thể là sẽ thanh toán thế nào, có được dùng máy mượn, máy đặt không hay phải dừng" - ông Lê Văn Phúc cho hay.

Nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất dẫn đến những hạn chế, bất cập trong hoạt động hợp tác lắp đặt máy móc, thiết bị y tế của tư nhân để sử dụng, khai thác tại các BV công là do thiếu khung khổ pháp luật minh bạch và rõ ràng để các bên tham gia áp dụng.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viec-tuyt-coi-may-muon-may-dat-tai-bv-cong-khong-phu-hop-voi-thuc-te.html