Viêm bao hoạt dịch các khớp

Bao hoạt dịch là bao khớp có chứa một loại chất nhầy gọi là chất hoạt dịch.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Bao hoạt dịch là bao khớp có chứa một loại chất nhầy gọi là chất hoạt dịch. Nhờ chúng, sụn khớp được nuôi dưỡng và các khớp hoạt động êm ái, thuận lợi. Nhưng khi bị viêm, các khớp trở nên đau đớn, bất động. Nếu không được điều trị tốt, người bệnh có thể bị tàn phế.

Hoạt động quá mức

Nằm phía trong bao khớp, bao hoạt dịch là một cấu trúc dạng túi, dùng để chứa chất hoạt dịch có tác dụng bôi trơn để khớp xương hoạt động dễ dàng. Bao hoạt dịch có bản chất là một lớp màng đệm mỏng. Khi lớp màng đệm này bị viêm, dịch xuất tiết được sản sinh ra nhiều, gây ứ đọng và chèn ép trong bao khớp làm cho khớp đó bị sưng đau.

Bao hoạt dịch có vai trò sản xuất và dự trữ chất hoạt dịch. Chất hoạt dịch ngoài chức năng bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp, nó còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, khi tác nhân gây bệnh thắng được sự phòng vệ này thì bao hoạt dịch sẽ bị viêm nhiễm. Bao hoạt dịch của các khớp lớn thường bị viêm bao gồm: Khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay và khớp vai.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch khớp. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho thấy, hiện tượng viêm thường xảy ra ở những người có nhiều hoạt động và sử dụng khớp quá mức chịu đựng của nó. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng được xem như là nguyên nhân gây bệnh như:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh xương khớp càng lớn. Thời gian đã làm suy mòn và thoái hóa hầu như toàn bộ các bộ phận trong cơ thể. Bao hoạt dịch cũng không ngoại lệ. Suy mòn theo thời gian, bao hoạt dịch hoạt động ngày càng kém dần, dễ bị chấn thương và dễ bị viêm nhiễm do chất hoạt dịch giảm cả về chất lượng, cũng như số lượng.

- Bệnh kết hợp: Những bệnh đi kèm sau là nguy cơ cao gia tăng tỉ lệ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch, gồm: Bệnh tiểu đường, bệnh gout, bệnh viêm khớp dạng thấp...

- Kéo dài sự căng thẳng của khớp: Nếu một khớp nào đó thực hiện động tác duy trì kéo dài như quỳ gối, đứng yên bất động, chống cằm, tựa khuỷu tay và ngồi lâu một chỗ sẽ gây ra tình trạng ức chế bao hoạt dịch của các khớp liên quan. Lâu ngày sẽ gây ra tình trạng bệnh lý bao hoạt dịch khớp.

Tình trạng bệnh lý này còn gặp ở các vận động viên liên tục vận động khớp gối (điền kinh), khớp vai (ném tạ)... và các nhân viên văn phòng thường xuyên sử dụng khớp cổ tay và các ngón tay để gõ bàn phím.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Cần tránh vận động mạnh

Viêm bao hoạt dịch (viêm màng hoạt dịch) là một bệnh lý về xương khớp khá phổ biến. Cho dù bao hoạt dịch nằm ở vị trí nào thì bệnh lý của chúng đều có chung các đặc điểm sau đây:

- Sưng đau và hạn chế cử động: Do tình trạng viêm và xuất tiết, dịch tiết tích lũy dần trong bao hoạt dịch làm sưng to và chèn ép các tổ chức, dây thần kinh gây ra sự đau đớn. Vì vậy, các cử động khớp liên quan trở nên khó khăn và đau. Tại vùng sưng, ấn tay vào gây cảm giác tăng đau dữ dội.

- Khô khớp, cứng khớp: Khi tình trạng viêm xảy ra, do ảnh hưởng của dịch xuất tiết nên hạn chế khả năng dịch khớp bôi trơn các khớp. Bệnh tiến triển lâu ngày khớp mắc bệnh dần bị khô, vận động khó khăn, cứng khớp. Người bệnh cảm giác khớp lỏng lẻo, khó kiểm soát, cử động nghe phát ra âm thanh lục... cục…

Tùy đặc điểm, tính chất và thời gian, viêm bao hoạt dịch được chia thành 2 nhóm:

- Cấp tính: Tình trạng viêm xảy ra đột ngột, nhanh chóng, rầm rộ. Khớp có bao hoạt dịch bị viêm sưng to, nóng, đỏ; Hạn chế vận động. Cảm giác tăng đau nhiều khi cử động. Sờ nắn vùng viêm tăng đau dữ dội làm cho người bệnh phản ứng. Diễn tiến bệnh thường không quá 2 tuần.

- Mạn tính: Tình trạng viêm diễn biến kéo dài trong nhiều tháng. Bệnh thường xuyên tái phát. Đôi khi bùng nổ thành một đợt cấp tính, rồi lắng dịu. Bệnh kéo dài lâu ngày gây khô, cứng khớp, vận động rất hạn chế. Các cơ liên quan ít hoạt động nên yếu và teo dần.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển và tránh các vận động mạnh trong thời gian mà sự viêm nhiễm còn đang tiến triển, thường là 2 - 3 tuần. Khớp có bao hoạt dịch bị viêm được cố định bằng băng thun để giảm tình trạng viêm và giảm đau. Hỗ trợ giảm sưng đau nhanh bằng cách chườm nước đá. Một số loại thuốc giảm đau, chống viêm có thể được chỉ định như Aspirine, Ibuprofen, Indomethacin, Diclofenac, Naproxen...

Các trường hợp viêm bao hoạt dịch khớp do nhiễm trùng đều được chỉ định dùng kháng sinh uống hoặc tiêm. Tùy trường hợp cụ thể và tùy kinh nghiệm thầy thuốc hoặc dựa vào kháng sinh đồ mà bác sĩ chỉ định kháng sinh nào phù hợp hoặc phải phối hợp các loại kháng sinh.

Những trường hợp sưng to đau nhiều do tràn dịch chèn ép, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút để giảm bớt áp lực và giảm đau. Đồng thời nuôi cấy làm kháng sinh đồ ở các phòng xét nghiệm có điều kiện.

Tuy nhiên, việc chọc hút cũng cần hạn chế vì có thể gây ra biến chứng như tổn thương phần mềm nơi chọc hút, nhiễm trùng lan rộng và nguy cơ dính khớp gia tăng. Nếu việc dùng thuốc bị thất bại, vấn đề phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở sẽ được đặt ra để giải quyết triệt để các thương tổn.

Không có phương pháp đặc hiệu phòng bệnh viêm bao hoạt dịch. Chỉ có thể dựa vào các yếu tố nguy cơ trong điều kiện có thể can thiệp được để hạ thấp khả năng mắc bệnh: Điều trị các bệnh lý có liên quan, hạn chế tối đa các hoạt động gây căng thẳng cho khớp trong thời gian kéo dài.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viem-bao-hoat-dich-cac-khop-post674456.html