Viêm cơ tim cấp: Một số điều bệnh nhân cần biết

Viêm cơ tim là tình trạng viêm của toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân thường gặp là do virus hoặc bệnh lý tự miễn.

Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác. Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim. Viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nhiều trường hợp tự khỏi, ngược lại nhiều trường hợp viêm cơ tim lại để lịa hậu quả nặng nề cho tim thậm chí tử vong.

 Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

1. Triệu chứng của viêm cơ tim

Viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Các triệu chứng bao gồm: Suy tim - Tim không đủ khả năng bơm máu, biểu hiện qua các triệu chứng: Mệt, hạn chế vận động, phù chân, khó thở, có thể liên tục hoặc khi hoạt động hoặc chỉ khi nằm, đau ngực, rối loạn nhịp tim: Nhịp nhanh hoặc bỏ nhịp

2. Tôi có phải đến gặp nhân viên y tế?

Đến gặp bác sĩ của bạn nếu bạn có một trong các triệu chứng nêu trên. Hãy nói cho họ nếu bạn vừa mắc một đợt cảm cúm, tiêm vắc xin hoặc mới dùng một loại thuốc mới.

3. Tôi phải được làm xét nghiệm?

Đúng vậy. Bác sĩ của bạn sẽ hỏi bệnh và khám bệnh cho bạn. Bạn sẽ được làm một số xét nghiệm và thăm dò sau đây:

Xét nghiệm máu – Một số chất gọi là men tim vốn bình thường nằm trong cơ tim, nhưng viêm tình trạng cơ tim làm các men này lọt vào dòng máu.

Điện tim - giúp phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim.

X-quang tim phổi - Giúp thấy tổn thương phù phổi, dịch màng phổi, tim to.

Siêu âm tim - Giúp bác sĩ đánh giá được vận động thành tim, khả năng co bóp của cơ tim, tình trạng hoạt động của các van tim, các lá van là các dải cơ tim mỏng giống cánh cửa đóng mở theo nhịp điệu giúp dòng máu trong tim được đi theo một chiều.

Cộng hưởng từ (MRI) – Kỹ thuật này sử dụng từ trường mạnh để ghi nhận hình ảnh bên trong cơ thể, giúp bác sĩ biết kích thước tim, đánh giá tim hoạt động thế nào hoặc tổn thương tim nếu có.

Thông tim can thiệp – Bác sĩ dùng ống thông luồn vào mạch máu từ đùi hoặc cổ tay, thông qua đây bác sĩ có thể: Đo áp lực bên trong tim và mạch máu. Chụp động mạch vành- thuốc cản quang được bơm vào động mạch thông qua đây có thể biết mạch nào bị hẹp hay bị tắc nghẽn. Sinh thiết: Qua đây bác sĩ sẽ luồn một dụng cụ để lấy một mảnh nhỏ cơ tim. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đọc mảnh sinh thiết dưới kính hiển vi để xác định tình trạng viêm cơ tim.

4. Viêm cơ tim được điều trị thế nào?

Điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân của bệnh lý này. Các biện pháp điều trị bao gồm: Thuốc, hỗ trợ suy tim, hỗ trợ suy hô hấp, chữa loạn nhịp tim, chống hình thành cục máu đông trong tim và mạch máu, thuốc ức chế miễn dịch . Một số bệnh nhân cần thở oxy qua bình, thậm chí phải thở máy , không được uống rượu, bia. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoạt động nào vừa sức với mình.

Đặc biệt, nếu viêm cơ tim nặng, bệnh nhân có thể cần một số điều trị khác: Máy tạo nhịp, máy hỗ trợ tim co bóp, máy hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Ghép tim- thay tim của người cho chết não.

Bệnh nhân viêm cơ tim cần đến thăm khám định kỳ, ngay cả khi thấy ổn hơn, có thể bác sĩ phải làm một số thăm dò đánh giá chức năng tim và đánh giá một số di chứng của viêm cơ tim.

PGS.TS. Hoàng Bùi Hải- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/viem-co-tim-cap-mot-so-dieu-benh-nhan-can-biet-356025.html