Viêm da bàn tay và cách dùng thuốc

Viêm da bàn tay không phải là một bệnh lây nhiễm. Mặc dù vậy, bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh, đặc biệt vào mùa đông hanh khô là mùa dễ bị viêm da bàn tay nhất.

Cho đến nay viêm da bàn tay và các bệnh viêm da mạn tính khác vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị. Tuy nhiên có một số loại thuốc bôi giúp khắc phục triệu chứng và giảm tổn thương da, nhưng nhiều người bệnh có tâm lý ngại đi khám nên thường tự mua thuốc về bôi mà không biết nếu lạm dụng thuốc bôi có thể gây teo da, mỏng da, thậm chí bội nhiễm.

Ai dễ mắc viêm da bàn tay?

Bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng, đến tiếp xúc với các dị nguyên và các chất kích ứng, cũng như stress cảm xúc hay là sự thay đổi thời tiết.

Những người làm nghề lau dọn, nhân viên y tế, người nội trợ và nhân viên làm việc tiếp xúc với máy móc, hóa chất là những người có nguy cơ mắc bệnh viêm da bàn tay. Phụ nữ hay bị viêm da bàn tay hơn nam giới có thể do họ phải làm việc nhà nhiều hơn do đó nguy cơ tiếp xúc với hóa chất trong quá trình làm việc nhiều hơn. Tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa dị ứng… là những yếu tố thuận lợi mắc bệnh viêm da bàn tay.

Còn một nguyên nhân hay gặp nhưng ít người để ý gây viêm da bàn tay là dị ứng với một loại kim loại như nickel hoặc cobalt. Các kim loại này được sử dụng rất nhiều trong các đồ vật dùng hàng ngày, như trong các đồ trang sức, vòng cổ, vòng tay, các chi tiết trang trí điện thoại, khuy quần áo, mắc cài giày dép… Ngâm tay trong nước quá lâu hoặc ra mồ hôi lòng bàn tay quá nhiều cũng là một lý do gây viêm da bàn tay.

Những bệnh nhân mắc viêm da bàn tay có thể có ngứa. Da bàn tay đỏ, khô, dày, bong vẩy da trắng dính, thậm chi nứt chảy máu, khi đó bệnh nhân sẽ rất đau, đặc biệt khi cầm nắm... Có những bệnh nhân xuất hiện các mụn nước nhỏ dưới da, mụn nước trong, khi vỡ ngoài việc đóng các vẩy tiết vàng trên da còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Hình ảnh viêm da bàn tay.

Hình ảnh viêm da bàn tay.

Dùng thuốc gì?

Cho đến nay viêm da bàn tay và các bệnh viêm da mạn tính khác vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị. Để điều trị triệt để cần phát hiện nguyên nhân để phòng tránh. Muốn phát hiện nguyên nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám, khai thác tiền sử và làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán bệnh và giúp tìm nguyên nhân. Căn cứ vào mức độ các triệu chứng bệnh lý và cơ địa người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp. Các thuốc phối hợp điều trị viêm da bàn tay phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, gồm:

Thuốc kháng histamin: Được sử dụng để giảm mức độ ngứa ngáy và hạn chế tổn thương da lan tỏa rộng. Thuốc kháng histamine như: clorpheniramin, loratadin… tương đối an toàn nhưng trong thời gian sử dụng cần lưu ý thuốc có thể gây khô miệng, buồn ngủ, giảm mức độ tập trung…

Thuốc bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc phổ biến nhất trong điều trị các bệnh viêm da mạn tính nói chung và viêm da ở tay nói riêng. Thuốc có tác dụng giảm viêm, kháng dị ứng và chống ngứa. Tuy nhiên, do có nhiều rủi ro và tác dụng phụ nên thuốc chỉ được dùng tối đa trong 14 ngày.

Thuốc kháng sinh: Những bệnh nhân viêm da bàn tay có bội nhiễm thì tùy từng nguyên nhân gây bệnh để có kháng sinh thích hợp. Lưu ý thời gian dùng thuốc để tránh tác dụng phụ.

Tuy nhiên, người bệnh cần nhớ, dùng thuốc gì để điều trị đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Vì, nếu lạm dụng thuốc bôi có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như teo da, mỏng da, dày sừng nang lông, bội nhiễm nguy hiểm.

Bên cạnh đó, bảo vệ da tay trong quá trình làm việc vẫn là quan trọng nhất. Khi tiếp xúc với các hóa chất, khi làm việc nhà... cần đi găng tay. Hạn chế sử dụng nước nóng để rửa tay. Ưu tiên các xà phòng không hương liệu, không có chất tẩy là tốt nhất. Bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa tay là việc luôn luôn nhớ.

Các chất dưỡng ẩm có chứa dầu như ointments hoặc creams nên được lựa chọn thay vì lotions. Các chất tẩy rửa kháng khuẩn, có chứa cồn sẽ làm cho da khô thêm, đặc biệt trong đợt cấp của bệnh. Sử dụng găng tay cotton khi làm việc nhà. Khi găng tay bị bẩn, nên giặt với xà phòng không có hương liệu và không có chất tẩy. Găng tay cao su hoặc nilon nên được sử dụng cho các công việc ẩm ướt hoặc tiếp xúc với nước. Điều trị bất kỳ vết thương bàn tay nào cho dù nó rất nhỏ. Nên băng vết thương để tránh vết thương tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoăc kích ứng. Trong trường hợp bệnh không đỡ khi đã thực hiện các biện pháp trên, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.

PGS.TS. Hoàng Thị Lâm

((Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng- Đại học Y Hà Nội))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-da-ban-tay-va-cach-dung-thuoc-n185191.html