Viêm đường tiết niệu có thể nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Viêm đường tiết niệu là một bệnh lý khá phổ biến và thường có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu chủ quan hoặc điều trị không dứt điểm có thể dẫn đến những biến chứng rất nghiêm trọng.

NỘI DUNG:

1. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu

2. Cách giảm đau do viêm đường tiết niệu

3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn, thường từ vùng sinh dục hoặc hậu môn, xâm nhập vào đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới.

Hầu hết các viêm đường tiết niệu ảnh hưởng đến bàng quang (gọi là viêm bàng quang). Nhiễm trùng ở bàng quang cũng có thể lan đến thận (gọi là viêm bể thận và là tình trạng nghiêm trọng hơn.

1. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới.

Viêm đường tiết niệu phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới.

Đau bụng dưới (chuột rút) là triệu chứng phổ biến của viêm đường tiết niệu. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào lớp lót bên trong đường tiểu, gây ra sưng tấy và khó chịu. Thêm vào đó, nước tiểu lại là nơi lý tưởng để vi khuẩn này tiếp tục sinh sản và phát triển. Ngoài chuột rút, một số triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
Đi tiểu thường xuyên
Nước tiểu đục
Nước tiểu có mùi hôi
Cảm giác muốn đi tiểu mặc dù bàng quang rỗng (tiểu gấp)
Có máu trong nước tiểu

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể di chuyển từ bàng quang đến thận, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn là viêm bể thận. Các triệu chứng có thể bao gồm:

Đau ở giữa lưng hoặc bên hông
Sốt
Ớn lạnh
Buồn nôn hoặc nôn

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đi khám ngay. Nếu không được điều trị, viêm bể thận có thể dẫn đến tổn thương thận và nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.

2. Cách giảm đau do viêm đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mặc dù các triệu chứng thường thuyên giảm ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh, nhưng điều quan trọng là người bệnh phải dùng hết toàn bộ liệu trình thuốc kháng sinh, giúp đảm bảo tình trạng nhiễm trùng được loại bỏ hoàn toàn.

Khi hồi phục, có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để giúp giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu:

Sử dụng miếng đệm sưởi: Đắp miếng đệm sưởi lên bụng hoặc lưng dưới có thể giúp giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu.

Uống nước: Uống nước không chỉ giúp cơ thể đủ nước mà còn có thể giúp làm loãng nước tiểu và loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.

Dùng thuốc không kê đơn (OTC): Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve) và acetaminophen (Tylenol) có thể giúp làm dịu cơn đau do viêm đường tiết niệu.

3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Hãy đi khám nếu có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu. Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm nước tiểu để xác định xem có vi khuẩn trong nước tiểu hay không. Nếu bị viêm đường tiết niệu, bác sĩ sẽ cho sử dụng một liệu trình kháng sinh có thể giúp loại bỏ tình trạng nhiễm trùng.

Hãy đi khám nếu có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu.

Hãy đi khám nếu có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu.

Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang đến thận, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận và nhiễm trùng huyết và nguy hiểm hơn là đe dọa tính mạng.

- Tổn thương thận (viêm bể thận cấp và mạn tính)

Khi vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (niệu đạo, bàng quang) không được kiểm soát, chúng có thể đi ngược dòng lên niệu quản và tấn công thận, gây ra viêm bể thận. Đây là một biến chứng nghiêm trọng và cần được điều trị khẩn cấp.

Viêm bể thận cấp tính: Vi khuẩn (thường là E. coli) từ bàng quang di chuyển ngược lên thận. Các triệu chứng như sốt cao (thường trên 38,5°C), rét run, đau vùng thắt lưng hoặc hông (đau một bên hoặc cả hai bên), buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hoặc có máu. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm bể thận cấp có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe trong thận làm tổn thương mô thận và gây suy giảm chức năng thận.

Tổn thương thận vĩnh viễn và suy thận mạn tính: Khi nhiễm trùng thận tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không được điều trị dứt điểm, có thể gây ra sẹo hóa ở thận. Các vết sẹo này làm giảm khả năng lọc máu và bài tiết chất thải của thận. Theo thời gian, chức năng thận sẽ suy giảm dần, dẫn đến suy thận mạn tính. Ở giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân có thể cần phải lọc máu (chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

- Nhiễm trùng huyết

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đường tiết niệu và có thể gây tử vong. Nhiễm trùng huyết xảy ra khi vi khuẩn từ đường tiết niệu (thường là từ thận bị nhiễm trùng) xâm nhập vào máu và lây lan khắp cơ thể.

Khi vi khuẩn vào máu, chúng giải phóng độc tố gây ra một phản ứng viêm toàn thân quá mức của cơ thể. Phản ứng này có thể làm tổn thương các cơ quan và mô.

Triệu chứng ban đầu của nhiễm trùng huyết:

Sốt cao (thường trên 38°C) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36°C)
Rét run
Nhịp tim nhanh.
Thở nhanh.
Lú lẫn, mất phương hướng hoặc thay đổi trạng thái tinh thần.
Huyết áp thấp (có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng).
Tiểu ít hoặc không tiểu.

Tiến triển thành sốc nhiễm trùng:

Đây là giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng huyết, khi huyết áp giảm xuống mức nguy hiểm và các cơ quan bắt đầu ngừng hoạt động.
Dấu hiệu sốc nhiễm trùng: Huyết áp tụt nghiêm trọng, da lạnh và tím tái (hoặc ấm và đỏ bừng ở giai đoạn đầu), ý thức giảm sút nghiêm trọng, suy đa tạng (thận, phổi, gan, tim...).
Nguy cơ tử vong: Sốc nhiễm trùng là một tình trạng cấp cứu y tế và có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời và tích cực.

Các yếu tố tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng

Viêm đường tiết niệu tái phát: Đặc biệt ở trẻ em hoặc những người có cấu trúc đường tiết niệu bất thường.
Sỏi thận hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu: Gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lan lên thận.
Hệ miễn dịch suy yếu: Do các bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Phụ nữ mang thai: Nhiễm trùng tiểu có thể gây biến chứng cho cả mẹ (viêm thận) và thai nhi (sinh non, nhẹ cân).
Người cao tuổi: Có hệ miễn dịch yếu hơn và thường có các bệnh lý nền.
Người có đặt ống thông tiểu: Tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp.

ThS. BS Lê Quang Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-duong-tiet-nieu-co-the-nguy-hiem-hon-ban-nghi-169250521165804328.htm