Viêm gan bí ẩn: Không nên quá lo lắng, đồng loạt làm xét nghiệm cho trẻ

VOV.VN - Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo cần phải cảnh giác và cẩn thận hơn trong việc chăm sóc trẻ. Các xét nghiệm men gan chỉ cần thực hiện ở bệnh nhi có nguy cơ cao.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 3/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 01 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

CDC Mỹ ngày 6/5 cho biết nước này hiện ghi nhận hơn 100 trẻ mắc viêm gan cấp tính tại 25 bang. Đến nay, ở vùng Đông Nam Á, Châu Á cũng đã rải rác ghi nhận các chùm ca bệnh với tính chất tương tự. Vì vậy, khả năng mà bệnh có thể gặp và xuất hiện những chùm ca bệnh tương tự ở Việt Nam là hoàn toàn có thể.

BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn lây hay yếu tố dịch tễ của căn bệnh này.

(Ảnh minh họa: New Scientist)

(Ảnh minh họa: New Scientist)

Liên quan giả thuyết lớn nhất là virus Adeno, bác sĩ Hoa cho biết virus Adeno đã được phát hiện từ năm 1953, có 57 type cùng 7 loài khác nhau. Ở người, loại virus này gây bệnh ở nhiều dạng như đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, tổn thương dạ dày, ruột,... Trong quá khứ, virus Adeno khá thường gặp với cả người lớn và trẻ em.

BS Hoa cho biết, những triệu chứng của căn bệnh này hoàn toàn là những triệu chứng mới được ghi nhận. Một số triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và đặc biệt sau đó đứa trẻ có thể có triệu chứng vàng da, vàng củng mạc. Những em bé đó cần phải giám sát về mặt y khoa.

“Nếu gia đình có những em nhỏ trong độ tuổi từ 0-16 tuổi có những triệu chứng này thì sẽ phải đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm liên quan xác định tình trạng bệnh cũng như mức độ nặng của bệnh để có những can thiệp kịp thời”- BS Hoa cho biết.

Theo BS Hoa, do chưa biết rõ về căn nguyên gây bệnh cũng như đường lây truyền của bệnh nên cách duy nhất là tự bảo vệ ngay những tác nhân mà hiện nay chúng ta đã ghi nhận.

BS Hoa lấy ví dụ các tổn thương do đường virus, đặc biệt như virus Adeno thì có thể lây qua đường giọt bắn, lây qua đường phân miệng và thậm chí lây qua những bề mặt tiếp xúc. Vì vậy, việc vệ sinh cá nhân cũng như đảm bảo nguồn nước sạch, xử lý các chất thải của người bệnh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là Adenovirus khác với các virus khác là nó có thể lây qua bề mặt tiếp xúc mà người bệnh đã từng để lại virus trên đó. “Việc vệ sinh bề mặt cũng như là sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng như cốc, thìa, khăn mặt riêng cũng là rất quan trọng. Ăn chín, uống sôi và đảm bảo nguồn thức ăn cũng như là nguồn nước uống phải nguồn nước sạch là cách trước mắt để chúng ta có thể giữa dự phòng nguồn lây nhiễm”- BS Hoa cho biết.

Với tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh trên thế giới, báo cáo tại Mỹ cho thấy 90% bệnh nhi đã phải nhập viện, 14% phải tiến hành ghép gan. Tại Anh, tỷ lệ ghép gan là 10% thì thực sự là con số đáng báo động.

Bác sĩ Hoa khuyến cáo cần phải cảnh giác và cẩn thận hơn trong việc chăm sóc trẻ nhưng cũng không nên quá lo lắng, dao động và hoang mang. “Các xét nghiệm men gan thì chỉ cần thực hiện ở trên những đứa trẻ mà theo chẩn đoán của các bác sĩ là đối tượng nguy cơ cao và phải làm các xét nghiệm sàng lọc. Còn lại thì cha mẹ không nên làm các xét nghiệm men gan cũng như chức năng gan một cách đồng loạt và đồng bộ, như vậy sẽ không cần thiết”- BS Hoa cho biết.

Được biết, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã bắt đầu xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận và và cũng như công tác sàng lọc những bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn. Các bệnh nhân có ở phòng khám nếu có các triệu chứng nghi ngờ thì sẽ làm các xét nghiệm liên quan để sàng lọc về các mức độ tổn thương gan. Sau đó, tùy tình trạng bệnh nhân có thể làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Trước đó, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Bộ Y tế đề nghị tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.

Thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viem-gan-bi-an-khong-nen-qua-lo-lang-dong-loat-lam-xet-nghiem-cho-tre-post942859.vov